Sponsors

Giới Thiệu

Monday, November 24, 2014

Các thôn ở xã Cảnh Dương

Bài viết về các thôn ở Cảnh Dương sẽ cập nhật sau...

Thôn ở Cảnh Dương




















Friday, November 21, 2014

Cá ông, cá bà - Sự thật của một huyền thoại ở Cảnh Dương

Ở vùng biển xã Cảnh Dương (Quảng Trạch, Quảng Bình) tồn tại một ngôi miếu thờ cá voi, cùng những di tích xương và khu nghĩa địa cá, như minh chứng hùng hồn cho những truyền thuyết về cá ông vẫn được các ngư dân truyền tụng đầy kính cẩn.
Lịch sử Ngư Linh Miếu
Xã Cảnh Dương là một vùng đất ven biển thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Người dân ở đây quanh năm sống bằng nghề biển và những câu chuyện có tính chất nửa hoang đường-truyền thuyết nửa có thật về cá voi vẫn tồn tại hàng trăm năm nay trong tâm thức của họ.
Chuyện về cá ông, cá bà là câu chuyện về những con cá voi đực, cá voi cái mà người dân vẫn hay gặp khi họ hành nghề đánh cá trên biển. Truyền thuyết bắt nguồn từ những câu chuyện ngư dân đi đánh cá gặp nạn trên biển đã được những cá voi cứu sống và đưa vào bờ. Từ đó những tên gọi tôn kính cá ông, cá bà đã hình thành.
Cốt cá ông, cá bà được thờ trong Ngư Linh Miếu.
Theo chân ông Phạm Quốc Hồng, thường trực Hội ngư dân xã Cảnh Dương, chúng tôi tìm đến miếu thờ cá voi có tên gọi “Ngư Linh Miếu”. Ngôi miếu có tuổi thọ đã hàng trăm năm nay vẫn được ngư dân hàng năm đều đặn đến thắp hương thờ cúng, khẩn cầu những điều tốt lành. Trong miếu, ngay gian thờ chính diện, trước mắt chúng tôi là những khối xương cá khổng lồ. Trải qua hàng trăm năm, chịu bao nắng, mưa, gió, cát những khối xương này đã phần nào bị bào mòn, mục nát. Hai bộ xương cá ông, cá bà nằm hai bên bàn thờ, được phủ vải điều rất trang trọng. Xương sườn cao khoảng 4 đến 4,5m, xương đốt sống lưng có đường kín khoảng 40cm... Ông Hồng nói, khi còn sống, mỗi con cá voi này có thể nặng hàng trăm tấn (?).
Theo tương truyền từ các bản ghi chép tay của một số người và các bậc cao niên kể lại, cá bà vào trước cá ông. Theo gia phả Tây Trung Họ Trương (còn gọi là Trương Trung Tây Gia Phả) thì cá bà vào vùng biển này năm Kỷ Tỵ (năm 1809) đời Gia Long thứ 9; cá ông và năm Đinh Mùi (năm 1907) đời Duy Tân thứ 16. Người dân đã chôn cất, thờ phụng và tôn làm cá ông, cá bà và xây miếu thờ từ đó đến nay.
Hàng trăm năm qua, Ngư Linh Miếu được xây đi xây lại nhiều lần. Thời chiến tranh chống Mỹ, Ngư Linh Miếu bị bom Mỹ tàn phá. Các cụ bô lão cùng UBND xã đã đưa di cốt cá ông, cá bà vào trong đình làng để cất giữ. Cách đây 10 năm, có hai người khách nước ngoài tìm về đây, tới đình thấy hai bộ xương cá voi nằm dưới đất, mục nát vì mưa nắng thời gian thì lắc đầu nuối tiếc. Sau đó, chính quyền địa phương và nhân dân đã quyên góp một số tiền để xây dựng lại miếu thờ. Năm 2006-2007, làng, xã đã tổ chức rước cốt cá ông cá bà vào Ngư Linh Miếu thờ phụng. Ông Hồ Quang Hường, Phó chủ tịch hội ngư dân xã cho biết, từ ngày làm miếu thờ, ngư dân làm ăn phát đạt, tốt lành.
Bộ cốt khổng lồ của cá ông.
Ngày 15/11(âm lịch) hàng năm là ngày giỗ cá ông, cá bà, người dân vạn chài ở trong vùng cũng về dự lễ. Vào ngày giỗ cá cũng là ngày giỗ cửa (mở lạch) dân chài bắt đầu đi đánh cá, những người vận tải biển cũng lên đường làm ăn.
Ông Hường còn cho biết thêm: “Ngoài những di cốt và đền thờ Cảnh Dương, tôi còn biết ở Thanh Khê (Quảng Bình) cũng có một đền thờ của một con cá voi nhỏ hơn, ở Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) cũng có một đền thờ cá ông, cá bà...”
Nghĩa địa cá
Chúng tôi lại theo chân ông Hồng đến khu nghĩa địa cá nằm cách Ngư Linh Miếu khoảng 2 km. Khu đất trống trãi nằm trên cát nơi cá bà đã trôi dạt vào và chết cách đây hàng trăm năm có một ngôi miếu nhỏ được người dân xây dựng gọi là “Miếu Bà”. Tại đây, ngoài miếu bà ra xung quanh còn có 17 ngôi mộ cá khác. Một bãi nghĩa địa linh thiêng của người dân biển, những ngôi mộ chỉ đắp bằng những ụ đất nằm chống chọi với gió cát, hằng năm họ lại trùng tu nhang khói.
Ông Hồng nói với giọng rất tôn kính: “Đây là những cá cô, cá cậu vào chầu (những loại cá lớn chết ở bãi biển- PV) đức ông, đức bà và được chôn cất tại đây”. Mỗi con cá lớn trôi vào đây đều được bà con chôn cất và gắn cho những câu chuyện riêng để truyền tai nhau, kể cho con cháu nghe, truyền từ đời này sang đời khác.
Phía ngoài Ngư Linh Miếu.
Con cá voi mới bị chết và trôi dạt vào bờ biển Cảnh Dương ngày 26/2/2009 vừa qua cũng có câu chuyện riêng của nó. Ông Hồng kể: “Vào ngày 25/2 vừa qua, tự nhiên có một con cá ông voi dài khoảng 4,3m, nặng 4 -5 tạ đang sống, dạt vào bãi biển xã Cảnh Dương. Lúc 13 giờ ngày 25/2 cá voi ông vào mắc cạn, lúc đó nhân dân cho 5 ngư dân đẩy cá ra khơi, cá voi đã bơi quanh bãi biển vài lần thì biến mất. Khoảng 4 giờ sáng ngày 26/2, lúc đó mực nước cao nhất thì cá voi lại vào ngay chỗ cũ và đã chết. Các đồng chí lãnh đạo xã và hội ngư dân đã xem xét và biết đây là một con cá voi cái”. Chính ông Hồng trực tiếp xem xét và tôn kính nói: “Đây là cá cô vào chầu đức ông, đức bà”.
Sau đó, ngư dân đã tổ chức đưa xác cá lên Ngư Linh Miếu để thờ cúng. Ông Hường kể, “theo phong tục địa phương thì những loài cá giống như cá ông, cá bà mà bị chết thì được khâm liệm và mai táng như con người”. Ông Hồng nói, con cá này rất lạ, khi chết nó không có mùi tanh, hôi, không bị ruồi bâu và ở hai bên hông con cá có hai hàng chữ, mỗi bên 6 chữ, không phải chữ Việt Nam, cũng không phải chữ Trung Quốc.
Nghĩa địa cá voi.
Người dân ở đây cho rằng Cảnh Dương là một vùng đất lành nên cá voi vào đây chầu đức ông, đức bà và chọn nơi đây làm nơi nương tựa mà chết. Đây là một điều rất tốt lành cho một năm làm ăn may mắn.

Chia tay tôi, ông Hồng nhắn nhủ thêm: “Chúng tôi chỉ có một mong ước nhỏ nhoi là làm sao xây dựng và tôn tạo lại ngôi đền và khu mộ cá linh thiêng, để tránh gió cát. Nếu có điều kiện phát triển thành một điểm tham quan cho mọi người đến tìm hiểu thì sẽ rất tốt”.


Lễ hội bơi thuyền ở xã Cảnh Dương


Năm 2013 kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, hướng tới kỷ niệm 370 năm ngày thành lập làng. Sau hơn một tháng tập luyện và chuẩn bị, ngày 19/8/2008 xã Cảnh Dương đã tổ chức thành công Lễ hội Bơi thuyền Truyền thống năm 2014.
Về Quảng Trạch - Quảng Bình, có dịp dừng chân trên chiếc cầu Roòn vươn mình giữa con sông Loan thơ mộng, hướng tầm mắt hoặc ống kính về phía Đông Nam, bạn sẽ bắt gặp một làng quê trù phú, tàu thuyền đông đúc, đó là xã Cảnh Dương, một địa danh giàu truyền thống cách mạng, phong phú về di sản văn hoá vật thể và phi vật thể. Trải qua 370 năm khai tạo, nơi đây “phong vũ thuận hoà, sơn thuỷ hữu tình, địa linh nhân kiệt” (Hương phả cổ làng Cảnh Dương).


Năm 2013 kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, hướng tới kỷ niệm 370 năm ngày thành lập làng. Sau hơn một tháng tập luyện và chuẩn bị, ngày 19/8/2008 xã Cảnh Dương đã tổ chức thành công Lễ hội Bơi thuyền Truyền thống năm 2014.

Chương trình gồm có tổ chức mít-tinh kỷ niệm tại xã, dạ hội văn nghệ ở các thôn, dâng hương viếng nghĩa trang liệt sỹ, đình thờ Tổ, Ngư Linh Miếu và phát động đua thuyền. Tham gia tranh tài trên 4 thuyền đua gồm 100 ngư dân có sức khoẻ tốt được lựa chọn từ các thôn.


Cuộc đua được tổ chức thành 4 lượt, buổi sáng 2 lượt, chiều 2 lượt, hành trình mỗi lượt là 4km. Mặc dù thời tiết không được thuận lợi nhưng các vận động viên đã thi đấu rất nhiệt tình. Hàng nghìn khán giả trong và ngoài xã đã về bãi biển Cảnh Dương để xem và cổ vũ các lượt bơi. Giải Nhất năm nay thuộc về chải màu Đỏ của hai thôn Cảnh Thượng - Trung Vũ, Giải Nhì thuộc chải Xanh thôn Yên Hải và Liên Trung các đơn vị khác dành Giải Ba và Giải phong cách.


Được giữ gìn hàng trăm năm, trở thành món ăn tinh thần của người dân và có sức hút lớn đối với du khách. Thi bơi thuyền ở Cảnh Dương là một Lễ hội truyền thống được giữ gìn, phát huy qua nhiều thế hệ, thường được tổ chức vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng 8 và quốc khánh 2-9.

Theo cách nói của bà con là để chào mừng ngày Tết độc lập. Háo hức nhất là một tháng luyện tập và chuẩn bị, ngày bơi thuyền cả làng náo nhiệt, rộn rã, ai nấy quên cả ăn uống để thưởng thức đua thuyền.

Các bà các chị áo quần ướt dầm thi nhau vẫy nón reo hò cổ vũ các đội bơi. Du khách gần xa tới đây cùng hoà chung trong sự náo nức mê say đến mãn cuộc vẫn chẳng muốn về.


Kết thúc hội bơi, dư âm của nó sẽ còn là đề tài sôi nổi cho mọi người đến cả tháng sau.

Trong chương trình các hoạt động kỷ niệm 365 năm ngày thành lập làng, tổ chức thành công lễ hội bơi thuyền năm nay, một lần nữa cô bác ở địa phương tiếp tục khẳng định và giữ gìn môn thể thao văn hóa đầy tính nhân văn này.



Từ đâu hai tiếng Cảnh Dương
Từ ai khai tạo quê hương buổi đầu
Ba trăm sáu lăm năm sau
Cháu con đoàn kết tiếp nhau giữ gìn

Giữ gìn lễ hội bơi thuyền cũng chính là trân trọng và phát huy những giá trị truyền thống quý báu mà các thế hệ tiền bối đã sáng tạo nên trong quá trình khai khẩn, kiến lập quê hương.

Đối với những người đi xa, khi nhớ về quê hương không thể nào quên được những mùa lễ hội của quê nhà, chính đó là những ấn tượng đẹp đẽ để dù ở nơi nào chúng ta luôn tự hào và mến nhớ về quê hương.

Cảnh Dương - Nơi nhạc sỹ Hoàng Vân đã cảm mến mở đầu cho ca khúc của ông: “Từ quê hương em, điệu hò khoan".
 Nguồn sưu tầm








Zing Blog







Zing Blog

Kỷ niệm 370 năm thành lập làng Cảnh Dương


Ngày 22-12, xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) tổ chức lễ kỷ niệm 370 năm thành lập làng (1643-2013).

Sau gần bốn thế kỷ hình thành và phát triển, Cảnh Dương đã trở thành một địa danh nổi tiếng với nền văn hóa phong phú, mang đậm sắc thái của người vùng biển và là vùng đất có truyền thống yêu nước, quật cường trong đánh giặc và giữ nước.
Với những bề dày thành tích đó, Cảnh Dương đã có mặt trong “Bát danh hương” của tỉnh. Trong kháng chiến chống Pháp, người Cảnh Dương kiên cường bám đất, rào làng chiến đấu, trở thành “Làng chiến đấu kiểu mẫu”. Kháng chiến chống Mỹ, chính quyền và nhân dân nơi đây lại tiếp tục lập nên nhiều chiến công vang dội, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của dân tộc. Phát huy truyền thống vẻ vang của cha anh, ngày nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cảnh Dương tiếp tục nỗ lực sản xuất, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp...
Tại lễ kỷ niệm, đại diện chính quyền và các đoàn thể, con em địa phương đã dâng hương lên Đình thờ tổ. Lễ dâng hương diễn ra trong không khí trang nghiêm. Tiếp sau đó là lễ diễu hành của 20 đoàn, đại diện cho các tổ chức đoàn thể, khu dân cư và các thế hệ người dân.
Cũng trong dịp này, Ban chấp hành Đảng bộ xã đã phát hành tập 1 cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Cảnh Dương (1930-2000) do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành.
N.Mai

Về thăm lại làng Cảnh Dương năm xưa


Làng biển Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) xưa kia nổi tiếng là làng văn vật trong "Bát danh hương", làng chiến đấu kiểu mẫu trong kháng chiến chống Pháp... Ngày nay, Cảnh Dương tự hào là một trong những điểm sáng trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương giàu đẹp, xứng đáng với truyền thống anh hùng vẻ vang của làng.
Hào khí Cách mạng Tháng Tám xưa...
Ngày 21-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Uỷ ban Khởi nghĩa, nhân dân Cảnh Dương đã khởi nghĩa cướp chính quyền. Cách mạng Tháng Tám 1945  thành công, hưởng ứng "Tuần lễ đồng", “Tuần lễ vàng” và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cảnh Dương đã phát động phong trào tăng gia sản xuất, thực hiện tiết kiệm, vận động tài gia lạc quyên ủng hộ được 22 vạn tiền, 16 kg vàng, 323 kg đồng... Khi thực dân Pháp đánh chiếm Quảng Bình, nhân dân Cảnh Dương già trẻ, gái trai lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Để ngăn tàu địch đánh vào cửa biển, nhân dân Cảnh Dương đã tiến hành ngăn sông Roòn bằng cách nhấn chìm 28 chiếc ghe từ 20 đến 60 tấn được sắp đá, kè từ đầu làng sang đến bến đò thôn Bắc Hà.

Ở cửa lạch, người dân đóng cọc bịt ngang luồng chính bằng những cây gỗ lớn. Học tập kinh nghiệm rào làng kháng chiến của thôn Cự Nẫm, lực lượng dân quân, du kích và nhân dân Cảnh Dương lại chặt cây rào làng chiến đấu, sắp đá ngăn đường vào làng; mở giao thông hào, nhà nối nhà, xóm nối xóm; dựng chiến luỹ bằng những thùng gỗ đựng nước mắm; đặt vọng gác, trạm quan sát tàu chiến, ca nô Pháp... Lực lượng dân quân, du kích Cảnh Dương tổ chức thành 11 trung đội cảm tử  ở 11 xóm, sau phiên chế thành 3 đại đội trấn giữ ở mặt làng. Ngoài ra còn có trung đội lão quân, trung đội nữ quân và trung đội thiếu niên quân. Cả làng tuân theo một khẩu hiệu chung: giặc đến tất cả đánh giặc.
Không chỉ bảo vệ quê hương làng xóm của mình, cán bộ, lực lượng dân quân, du kích và nhân dân Cảnh Dương còn chi viện sức người, sức của cho vùng bị tạm chiếm. Đoàn vận tải Cảnh Dương gồm hàng chục con thuyền ngày đêm vượt qua phong ba, sự phong toả của tàu địch để chuyên chở hàng trăm tấn vũ khí và lương thực từ Thanh Nghệ Tĩnh vào chiến trường Bình Trị Thiên... Lực lượng dân quân, du kích Cảnh Dương còn phối hợp với bộ đội chủ lực, Đại đội 5 của huyện tham gia nhiều chiến dịch: chiến dịch xuân hè 1949-1950; phục kích bao vây, chặn đường tiếp viện giữa Thanh Khê - Ba Đồn...

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, qua 120 trận càn của giặc, làng chiến đấu Cảnh Dương vẫn trụ vững. Máu của quân và dân Cảnh Dương đỏ thắm trên từng nẻo đường thôn xóm trong những ngày bám làng, giữ làng chống giặc. Cách mạng Tháng 8 thành công ở Cảnh Dương, đã thổi vào lòng nhân dân lao động một luồng sinh khí mới, niềm tin và lòng tự hào dân tộc được nâng cao.
... Sắc đỏ hôm nay
Trở về Cảnh Dương trong không khí cả nước náo nức kỉ niệm 67 năm  Cách mạng Tháng 8 thành công, làng chiến đấu xưa nay đã vươn mình, vững vàng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.
  
Một góc làng biển Cảnh Dương hôm nay
Một góc làng biển Cảnh Dương hôm nay
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đảng bộ và nhân dân Cảnh Dương đã từng bước chuyển đổi cơ cấu, thành phần kinh tế cho phù hợp trong thời kỳ mới. Phát triển mạnh, đa dạng hoá các ngành nghề sản xuất và dịch vụ... Với sự hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước, ngư dân Cảnh Dương hôm nay đã có những con tàu lớn cùng ngư lưới cụ hiện đại, đủ sức vươn ra khơi xa bám biển dài ngày để đánh bắt thuỷ hải sản. Ông Đồng Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết, toàn xã hiện có 386 tàu thuyền, giải quyết việc làm thường xuyên cho 2.198 lao động. Tổng sản lượng đánh bắt hải sản năm 2011 đạt gần 3.000 tấn, 6 tháng đầu năm 2012 là 2.068 tấn, tăng so với cùng kỳ 464,12 tấn; trong đó hàng xuất khẩu đạt 80%, doanh thu hơn 131 tỷ đồng. Bình quân thu nhập của mỗi lao động biển đạt khoảng 4 triệu đồng/tháng. 
Ngư nghiệp phát triển đã thúc đẩy các ngành nghề như chế biến hải sản, sửa chữa cơ khí, điện, đóng tàu, sản xuất đá lạnh... phát triển mạnh mẽ. Trong 6 tháng đầu năm 2012, lĩnh vực này đã phát huy duy trì ổn định sản xuất, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng. Nhiều cơ sở đã tập trung đầu tư vốn, củng cố mở rộng sản xuất, kinh doanh, giải quyết cho nhiều lao động có việc làm thường xuyên. Thu nhập bình quân khoảng từ 1,9 - 2,5 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, tại xã Cảnh Dương hiện có 2 cơ sở nuôi cá sấu, khoảng 50 - 80 con/cơ sở, đang phát huy hiệu quả. Chính nhờ phát triển mạnh, đa dạng hoá các ngành nghề sản xuất và dịch vụ... xã Cảnh Dương đã giải quyết được vấn đề việc làm, nâng cao đời sống cho người dân. 
Cùng với sự phát triển về kinh tế, các công trình phúc lợi ở Cảnh Dương được chú trọng đầu tư xây dựng. Từ năm 2000 đến nay, Cảnh Dương đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng công trình như điện, nước sạch, kè sông, trường tiểu học, trường THCS, bê tông hoá đường giao thông, cổng làng, trụ sở làm việc của UBND xã, nhà văn hoá thôn, nhà văn hoá - truyền thống xã... Những công trình mới được xây dựng đã làm cho bộ mặt làng biển Cảnh Dương thay da đổi thịt. Với truyền thống là đất học, trong "Bát danh hương" của Quảng Bình, Cảnh Dương luôn chăm lo đến việc học hành của con em. Công tác giáo dục của các trường học luôn quán triệt thực hiện nhiệm vụ của năm học đã đề ra với tinh thần tiếp tục thực hiện "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn liền với cuộc vận động "Hai không". Xã cũng thường xuyên củng cố, giữ gìn nét văn hoá truyền thống; chú trọng chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân...
Đặc biệt, xã Cảnh Dương đã xây dựng được 12 đài truyền thanh, tập trung tuyên truyền chuyên đề: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Luật Đất đai, Luật Phòng chống ma túy, các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên... Sáu tháng đầu năm 2012 đã có 72 buổi phát thanh/ 246 tin bài với sự tham gia của lực lượng cộng tác viên gồm 19 đồng chí. Công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị được cấp uỷ, chính quyền xã Cảnh Dương đặc biệt chú trọng. Các tổ chức đoàn thể như thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh... được kiện toàn vững mạnh, thực sự là cầu nối giữa Đảng và nhân dân.  An ninh- trật tự, quốc phòng trên địa bàn được giữ vững.
Gian khổ trong chiến đấu, khó khăn trong khôi phục, phát triển kinh tế, nhưng Cảnh Dương vẫn luôn vững vàng, bền chí vượt qua để gặt hái thành công. Cảnh Dương hôm nay đã là một làng quê giàu đẹp, văn minh, là điểm sáng về xây dựng nông thôn mới.
                                                                                          Lê Mai



Tín ngưỡng thờ phụng cá voi ở xã Cảnh Dương


Làng biển Quảng Bình sau tết nhộn nhịp sửa soạn làm ăn vụ cá mới. Nghi thức cúng biển được xướng lên bay bổng với những câu hò khoan dìu dặt bên chân sóng. Bước chân trên cát, được đắm mình trong không gian dân ca mặn mòi mùa biển, thấy khí chất làng bên bờ biển Đông cường tráng, mạnh mẽ của mùa xuân tươi.

Bên chân sóng rì rào của xã biển Cảnh Dương, hơn 10.000 ngư dân hướng về đền thờ Hiển Linh Ngư khói hương cầu khấn thần biển, nơi đặt 2 bộ xương cá voi khổng lồ mà tương truyền, người dân được biển Đông báo mộng từ hai trăm năm trước là cá ông, cá bà vào táng trợ ngư dân. Cứ mỗi mùa đánh bắt cá khơi năm mới, ngư dân nào ở Cảnh Dương (Quảng Trạch) và vùng phụ cận dưới núi Hoành Sơn đều vượt sông Loan, băng đường núi Phượng tìm đến Hiển Linh Ngư cúc cung hương khói, cúng mật tận tâm, mong một mùa đánh bắt bội thu trước sóng cả ba đào.


Chân dũi trên đồi cát, đi về phía biển, tìm những lão ngư còn biết tích xưa chuyện cũ hai bộ xương cá voi trong Hiển Linh Ngư, được biết, người làng còn cất giữ Trương Trung Tây gia phả ghi lại cảnh tiếc thương hai cá ông, cá bà vào táng trước biển làng. Gia phả dòng họ Trương của làng còn điển ghi: vào đời Gia Long thứ 9 (1809-Kỷ Tỵ) một bà cá voi nặng hơn trăm tấn, dạt vào biển Cảnh Dương, người dân cúng quải linh đình, gọi tên cá Bà. Vào năm Duy Tân 16 (Đinh Mùi-1907), một cá ông voi cũng dạt vào Cảnh Dương, người dân gọi tên là cá Ông, hương khói vọng trọng. Cả hai sau đó được rước vào Hiển Linh Ngư, cung kính miếu táng đến hôm nay.

Cách Hiển Linh Ngư mấy trăm bước chân, có một khu mộ táng dành cho cá cô, cá cậu vào chầu cá ông, cá bà. Khu địa táng này có chừng một trăm ngôi mộ dành riêng cho các loài cá vài tấn chết trước Hiển Linh Ngư. Giải thích của ngư dân về tâm linh rằng, những cá cô, cá cậu vào đó không phải vì sức cùng lực kiệt mà tất cả đều vào để hầu cận hiển linh. Chính vì thế tương truyền, những cá cô cá cậu đưa đi chôn, không hề có mùi tanh của chết chóc, ruồi nhặng cũng tránh xa, khi quấn vải, hai bên sườn cá thường xuất hiện những vân đẹp như chữ hán cổ. Năm 2009, một con cá voi nhỏ 3 tấn dạt vào bờ, người làng cũng thấy bốn chữ hán hai bên sườn, người già của làng diễn nôm là “quốc thái dân an”.

Với biển, người Cảnh Dương vô cùng biết ơn bởi biển cho họ cuộc trường tồn phát triển mấy trăm năm mở đất lập nghiệp. Chính vì thế, cách thờ tôn cá thành thần càng cho họ tự tin vươn khơi trong tín ngưỡng tô tem.
  • Câu hát vào mùa
Cảnh Dương có cuộc sống mạnh mẽ về văn hóa khí cốt biển truyền đời hơn nửa thế kỷ khai đất. Mỗi mùa cầu ngư đầu xuân, dân ngư phu vẫn hát: “Nay mừng mở hội cầu Xuân/ Trời sinh Thánh thượng Duy Tân trị vì/ Trời yên, biển lặng bốn bề/ Đức Ông thượng thọ nước về cõi tiên/ Lênh đênh mặt nước bao miền/ Tìm nơi đất tốt, dân hiền ghé vô/ Xuân sang lai láng biển hồ/ Ngư dân trông thấy nước vô lạch nhà/ Tưng bừng nổi trống, kết hoa/ Nghe tin làng nước gần xa đón mừng”.

Chân bước đường cát trắng mịn vỗ bờ biển Đông, rời đèo Ngang, vào với Nhân Trạch (Bố Trạch), một làng biển đẫm tình câu hò đưa linh, chèo cạn. Dáng dấp làng ngày xuân rộn ràng trẩy hội hát hò. Hội chơi trước biển ở làng lắng động ở vòm ngực: “Non Nam phượng múa/Núi Bắc rồng chầu/Đất làng con hiếu võ cao sâu/Ngoài hương án ông cao vòi vọi/Tiếng ông linh vang dồn tám cõi/Sắc tứ phong sáng chói ngàn thu/Nay vui mừng vạn mở ca cù/Con nhi nữ chèo ba mở mái”. Đấy là lời xưng mượt mà của đoạn chèo cạn nghe được bên sóng biển đất quê.

Mảnh làng văn hóa vào tháng giêng này còn xướng lên giọng hò đưa linh của ngư phủ trước biển rằng: “Biển đông đài cát đại ngàn biển đông/Cúi đầu trăm lạy Đức ông/Cầu cho thất ứng, thất thông nhiều bề/Anh linh hiển hách nhiều bề/…Lý Nhân Nam vui thú hảo hề/Đức bà đẹp ý ghé vô lạch nhà…”.

Điệu linh vút bay, lúc vào cao trào, những nhịp phách, tiếng trống, nhịp chiêng phối âm rộn ràng, làm bài ca múa quạt của phường chèo cạn quẫy vui như tiếng cá đêm trăng. Điệu hát tiếp tục ngơi ca quê hương sông núi hiền từ:“Nhìn xem phong cảnh làng ta/Trên sơn, dưới thủy đậm đà ái ân/Dân làng mở hội cầu Thần/Ông bà ứng cảm muôn phần vận may/Hải hà trống mở, cờ bay/Bốn bề nam bắc, đông tây rộn ràng/Thiên văn, địa lý hai hàng/Lên bành cưỡi ngựa, đại quan xuất hành/Cầu cho làng vạn hai gành/Thiên hạ đại cát dân an thái bình/Ngư thần an ngự trước lăng/Đặt bàn hương án kiệu xanh lộng vàng…”.

Mùa tết trên cát, người làng biển hò khoan mạnh mẽ như tiếng mái chèo đẩy sóng: “Hò… là… hô… là… là… hô… hô… là…/Là… hò… la… hô… là… la… hô… là…/Đưa mái chèo thuyền nhanh băng ra khơi/Lướt sóng, đẩy thuyền ta đi chơi vơi/Hò… là… hô… là…/ Nắng tỏa về phương trời mọc/Biển rộng bao la/Như ôm ấp những xóm làng/Kìa đàn cá lượn ngoài khơi/Cánh buồm vươn trong nắng mới/Lưới ta tung ra no ấm cả đời này/Lưới ta tung ra cho biển lặng, trời yên/Dô khoan/Lưới ta tung ra/Hò khoan/Chặn đầu cá ta đánh”… Đây là điệu vui của mùa tết mỗi năm từ làng biển xứ cát.

  • Khai tâm chia biển
Người làng biển sống với nhau thân mật, hóm hỉnh với thường nhật kiếm tìm cái ăn trên biển. Vậy nên ở làng biển Thanh Bình, có tục chia biển ngay từ bữa khơi đầu năm. Làng đánh lộng, mỗi xóm chừng chục nóc nhà huy động ngư phu ra lộng khi khí trời sang xuân mặn. Tảng sáng của một đêm mùa xuân, lão ngư vác lưới, tay lưới mang theo những rượu, nếp cúng từ nhà. Họ trải mẹt lá trên cát, bày biện những vật cúng từ mười nóc nhà, cầu khấn thần biển mùa năm mới làm ăn được tốt và cho thiêng sức đoàn kết. Trong tâm thức cha ông ngư phu truyền lại, cầu làm ăn tốt không phải để tư riêng đủ đầy mà mong điều đó đến để còn chia lộc biển cho gia đình neo đơn.

Những ngư dân già nhất kể rằng, làng cát xưa nghèo không có thứ gì dồi dào bằng tình cảm chòm xóm. Những mẻ cá đưa lên từ sức vóc trai tráng của làng thường chia quanh xóm, quanh làng, còn dư nhiều sẽ đi đổi gạo, gạo đưa về cũng chia cho những lão ngư già bị mù, hay những hòn vọng phu mất chồng trước sóng cả bão tố. Người làng nói đó là khai tâm của tình cảm chia biển. Của rường cột linh hồn miền quê thường chống chọi với các thiên tai gió mưa.

Nay, chuyến khơi đầu năm ở làng lộng nhỏ bé này vẫn giữ nguyên sự thống thiết ân tình đó. Mớ cá đánh lên có thể ít đi, nhưng bể đời thương yêu vẫn dạt dào cưu mang nhau về linh hồn khai tâm khăng khít của cội rể làng biển. Một ngư dân từng nói trước biển làng mùa xuân: “Mỗi dân làng như một hạt cát. Mỗi hạt cát tách ra bị gió cuốn đi nhưng đứng sát nhau thành đụn cát, thành núi cát là che được cho nhau trước gió bão phong ba”.

Mùa xuân làng biển, gia tài văn hóa cất giữ trong vỉa tầng hồn cát được xướng lên để bảo ban con cháu giữ lấy hồn cốt cha ông cho mạch nguồn yêu đất, yêu làng cứ thế được kể cho đàn con cháu mỗi lứa sinh thêm cho cuộc đời bền bỉ dựng xây là bài học không chỉ của người miệt biển. Đó là gia tài trân quý mà cha ông ban tặng. 
Bài, ảnh: MINH PHONG


Gặp lại những người lính họ Phạm xã Cảnh Dương


Ngày 22-12-2013, đúng vào ngày kỷ niệm thành lập QĐND Việt Nam, nhân dân Cảnh Dương (Quảng Bình) tưng bừng kỷ niệm 370 năm thành lập làng (1643-2013).
Làng Cảnh Dương thuộc xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, nổi tiếng bởi thành tích chiến đấu giữ làng trong hai cuộc chiến tranh giữ nước, được ngợi ca trong bài hát “Quảng Bình quê ta ơi” của nhạc sĩ Hoàng Vân: “Có ai về Cảnh Dương, quê tôi đứng nơi đầu sóng gió/ Truyền thống giữ làng đánh giặc mãi mãi còn đây”. 
Tôi may mắn được về làng Cảnh Dương và gặp những người lính họ Phạm ở làng này từng một thời ngang dọc trên biển chở vũ khí vào Nam trong những ngày chiến tranh ác liệt nhất.  

Một chuyến đi và cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa

Ngày 30-10 và 01-11-2013, tôi tham gia đoàn của Hội phụ nữ phường Phương Mai, quân Đống Đa, Hà Nội,  đi cứu trợ đồng bào Quảng Bình bị thiệt hại nặng nề bởi hai trận bão số 10 và 11. Trước khi đến địa điểm đã định trước, đoàn chúng tôi đến Vũng Chùa dâng hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau đó tôi lại xin phép một mình vào dâng cuốn thơ viếng Đại tướng “TỰA ÁNH SAO” của CLB Thơ Đường Họ Phạm tại án thờ Người. Cho đến giờ tôi vẫn còn nhớ những phút giây xúc động bên mộ Đại tướng.

Rồi đoàn chúng tôi đến thăm và tặng quà cứu trợ tại hai xã Cảnh Dương và Quảng Sơn. Tôi không tường thuật cuộc thăm hỏi và trao quà đó trong bài này, mà chỉ nói đến cuộc gặp gỡ những người họ Phạm ở Cảnh Dương. Tôi rất vui mừng vì đi làm việc của phường phố mà kết hợp làm được thêm hai việc có ý nghĩa của dòng Họ.
Trên đường đi, qua ông Nguyễn Văn Hải, người dẫn đường, tôi được biết Cảnh Dương có đông người họ Phạm, trong đó có những người có nhiều công lao trong hai cuộc kháng chiến. Tôi ngỏ ý muốn gặp bà con họ Phạm, hoặc ít ra là vài người vì thời gian của chúng tôi rất eo hẹp. Lãnh đạo xã Cảnh Dương vui vẻ đáp ứng nguyện vọng của tôi.
Tôi thật xúc động khi thấy người họ Phạm Cảnh Dương đầu tiên ra đón mình là một người mặc quân phục trắng với quân hàm Đại úy. Tôi biết ngay đó là ông Phạm Quốc Hồng, vì đã được giới thiệu ông là thuyền trưởng tàu 151 trong đoàn tàu không số năm xưa (tức Lữ đoàn Vận tải quân sự 125 Hải quân anh hùng). Hiện ông là Trưởng ban liên lạc Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển tỉnh Quảng Bình. Không ai nghĩ ông đã 73 tuổi, đã trải qua biết bao gian khó của thời chiến tranh, và ngay nay vẫn đang vất vả mưu sinh. Đúng là người miền biển, giọng ông sôi nổi, “ăn sóng nói gió”. Ông đón tôi và dẫn tôi tới văn phòng Hội Cựu chiến bình xã. Tại đây, lại một người họ Phạm nữa, ông Phạm Mạnh Trung - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, một lát sau thêm ông Nguyễn Văn Biểu (cháu ngoại họ Phạm) “chú thiếu niên” 15 tuổi, trẻ nhất đoàn cảm tử gồm 74 người có nhiệm vụ đặc biệt là giả dạng ngư dân đánh cá để dùng thuyền chèo tay, chở vũ khí vào chiến trường Trị Thiên năm 1968.

Câu chuyện của chúng tôi thêm vui vẻ khi các ông biết tôi ở Hội đồng Họ Phạm Toàn quốc vào đây. Các ông nói về họ Phạm Cảnh Dương, về những con người họ Phạm, nhưng không ai nói về mình. Tôi hỏi thăm tình hình thiệt hại của bà con trong hai trận bão lớn và hỏi về tình hình họ Phạm ở xã nhà. Biết xã Cảnh Dương có nhiều người họ Phạm, tôi gợi ý các ông tổ chức Hội đồng Họ Phạm của xã và liên kết thành HĐ họ Phạm huyện, tỉnh. Các ông rất hào hứng với việc tổ chức Hội đồng, hơn thế nữa, các ông đã nghĩ tới việc tìm người có uy tín ở tỉnh đứng ra tổ chức, và mời tôi đi thăm mộ tổ Họ Phạm của làng, một ngôi mộ tổ lớn nhất so với mộ tổ của các dòng họ trong làng. Người trông coi, quản lý ngôi mộ tổ cùng khu mộ bà con họ Phạm ở đây là cụ Phạm Ngọc Liêm, Chủ tịch Hội Người cao tuổi. Nhưng rồi vì thời gian quá ngắn, tôi không kịp ra thăm mộ tổ. Chúng tôi chia tay sau khi đã chụp mấy tấm hình kỷ niệm và ghi số điện thoại hẹn liên hệ với nhau. Tôi biếu các ông hai số Thông tin họ Phạm Việt Nam quý II và quý III/2013 rồi chia tay để theo đoàn đi tặng quà cứu trợ. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa, để lại trong lòng tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp, mở đầu cho một công việc to lớn về sau: việc họ ở Quảng Bình!
Trên đường về, tôi cứ thấy vui vui. Làm việc họ thật hạnh phúc, đi đâu cũng thấy người nhà, gần gũi và thân thiết.  Thế là có thêm một nơi có bà con mình! Lại thêm một mối quan hệ! Sau khi tôi về Hà Nội, ông Hồng, rồi cụ Liêm hôm ấy không được gặp cũng gọi điện ra. Chúng tôi thường xuyên liên hệ để thông tin cho nhau về dòng họ trong đó. Cụ Liêm cho biết là được cử đi dự Hội nghị ở Hà Nội và hẹn gặp trong dịp ấy. Và may thay, ngày 12-12-2013, cụ Liêm được là 1 trong 8 người đại diện cho Hội Người Cao tuổi Quảng Bình ra Hà Nội dự “Hội nghị biểu dương Người Cao tuổi tiêu biểu tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới hải đảo”. Mấy anh em chúng tôi trong Hội đồng Toàn quốc đã tìm gặp thăm Cụ dù chỉ được chưa đầy nửa tiếng đồng hồ, cũng như với ông Phạm Thoại Tuyền từ Lý Sơn – Quảng Ngãi ra dự hội nghị.
Người lính họ Phạm ở Cảnh Dương
Quảng Bình là tuyến đầu của miền Bắc, nơi gánh chịu bom đạn của quân thù nhiều nhất thì việc mọi người dân đều ra trận là tất yếu. Bao người ra trận, bao người không trở về, và người ở hậu phương cũng nếm trải mọi gian lao, vừa chiến đấu giữ làng vừa sản xuất nuôi quân! Trong dòng người vô tận đó, có những người là con cháu họ Phạm.
Làng Cảnh Dương có ông Phạm Bá Hạt, được phong AHLLVTND năm 1967, nay còn sống. Nhiều người nội ngoại tộc Phạm có công trong hai cuộc kháng chiến, nhiều người nay là những nhân chứng sống của nhiều sự kiện lịch sử. Nhưng trong bài này, nhân ngày thành lập QĐND Việt Nam, tôi chỉ giới hạn câu chuyện ở đại úy Phạm Quốc Hồng, người đã tiếp tôi hôm tôi đến Cảnh Dương, và cũng chỉ tóm tắt. Đây là những điều mà tôi tìm hiểu được qua các tài liệu và người làng Cảnh Dương, chứ không phải do ông Hồng kể.
Ông Phạm Quốc Hồng là một trong 29 người là con em Quảng Bình tham gia đoàn quân vận tải đường Hồ Chí Minh trên biển trong những năm tháng chiến tranh, thuộc Tập đoàn đánh cá Sông Gianh, thực chất là Đoàn tàu không số nổi tiềng, với hàng chục chuyến vận tải vũ khí, hàng hóa, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam.   
Ông sinh năm 1941, nhập ngũ vào quân chủng hải quân tháng 2-1961. 21 tuổi, chàng lính trẻ đã xung phong vào Nam chiến đấu, được chọn ngay vào hàng ngũ những người lính anh hùng của Lữ đoàn 125 – đoàn tàu không số, liên tục chiến đấu, công tác ở đó cho đến tháng 12-1977. Ông là một trong những kình ngư của biển khơi, vào Nam ra Bắc hàng chục lần trên biển. Từ năm 1962 đến năm 1972, Đoàn 125 đã thực hiện 168 chuyến hàng vượt biển vào Nam, có chuyến thành công, có chuyến phải hủy tàu, hủy hàng… Riêng ông Hồng tham gia 10 chuyến đều… trót lọt.
Trong những năm đó, ông Hồng là máy trưởng trên nhiều chuyến tàu vận chuyển vũ khí vào Nam. Suốt quãng thời gian vào sinh ra tử ấy ông Hồng là một trong những người giữ vị trí quan trọng trên nhiều chuyến tàu không số của hải quân Việt Nam.
Lần ông bị thương, cũng là chuyến tàu không thể nào quên trong đời binh nghiệp của ông. Tháng 9/1969, khi tàu do ông Hồng làm máy trưởng chuẩn bị cho chuyến đi Cà Mau thì nhận được tin Bác Hồ mất. Đồng chí Võ Hán – Tiểu đoàn trưởng, đã lên tàu phát băng tang cho tất cả anh em. Mọi người xúc động cùng cài lên ngực áo, bật khóc trước di ảnh của vị cha già dân tộc. Ông Hồng vẫn giữ mãi chiếc băng tang ấy cho đến tận bây giờ. Cả đoàn ra khơi với lòng tiếc thương Bác vô hạn.
Đến vùng biển Hoàng Sa, tàu của ông Hồng bị 4 tàu địch bao vây, chặn đánh, trong đó có cả tàu khu trục. Cuộc rượt đuổi giữa 4 tàu địch và con tàu không số diễn ra hết sức căng thẳng. Quân địch quyết tiêu diệt con tàu của ta. Ban đêm, chúng cho máy bay thả pháo sáng và rượt đuổi trên không, phía dưới thì tàu giặc không ngừng nã pháo đe dọa. Có lúc, cả đoàn đã nghĩ đến tình huống xấu nhất, phải dừng lại chiến đấu, sẵn sàng hy sinh, hủy tàu. Cũng chính lúc này, ông bị thương. Máu ra xối xả, đồng đội chỉ kịp băng bó tạm, rồi tiếp tục chiến đấu. Nhưng rồi với sự mưu trí, dũng cảm, tàu của ta đã thoát vòng vây, cập bến và bàn giao vũ khí an toàn.
Thời ấy khi ông và đồng đội bước chân lên tàu không số đều tâm niệm dù hy sinh quyết giao hàng đủ. Tất cả đều biết, nếu có chuyện thì ngày tàu xuất bến sẽ là ngày giỗ của mình, nhưng không ai chùn bước.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, ông được điều về Tàu 151 làm thuyền trưởng, chở quân vào Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn… Năm 1976, thuyền trưởng Phạm Quốc Hồng lại chỉ huy tàu đi công tác ở Trường Sa hai tháng liền, làm nhiệm vụ cắm mốc chủ quyền và kéo cờ Tổ quốc trên các đảo Sơn Ca, Sinh Tồn, Nam Yết, Song Tử Tây.  Sau chuyến đi Trường Sa  hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đó, tàu 151 được Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm và khen ngợi… Từ đó đến ngày nghỉ hưu, ông gắn bó với những con tàu vận tải ra quần đảo Trường Sa. Với quân hàm đại úy, ông nghỉ hưu năm 1987.
Trong những năm tháng tham gia đoàn tàu không số, mọi người đều giữ bí mật nhiệm vụ của mình. Bà Phạm Thị Hạo vợ ông, trông già hơn tuổi vì những tháng năm vất vả vắng chồng. Ông vào bộ đội đi biền biệt, một mình bà gánh vác mọi việc trong gia đình với vai trò dâu trưởng và nuôi con (ông bà đã có một con trai trước khi ông nhập ngũ). Cả một thời gian dài vì nhiệm vụ đặc biệt, ông Hồng không có thư từ về gia đình. Người bảo mất tích, có người nói ông đã hy sinh, bà vẫn một lòng chờ chồng, nuôi con. Năm 1968, bom Mỹ ném vào Cảnh Dương, gia đình bà nhiều người bị thương vong. Riêng bà Hạo bị sức ép nặng dưới hầm, may không chết, sức khỏe ảnh hưởng đến ngày nay. Sự chịu đựng hy sinh của người phụ nữ để chồng chiến đấu, nhất là trên mặt trận thầm lặng, không thể tả xiết. Ông bà có hai ngươi con trai, anh con trai đầu nhập ngũ vào Tây Nguyên, anh thứ hai cũng là bộ đội, hồi trước ở bên Lào, sau mới được về Quân khu 4.
Khi nghỉ hưu, năm 1987, ông Hồng được Vùng 3 Hải quân hỗ trợ ngói, gỗ và hai bao xi măng để làm nhà. Căn nhà gỗ hai gian thấp lè tè, rộng chừng ba chục mét vuông nay đã xuống cấp vì hơi nước biển.
Năm 2011, Công ty cổ phần Siêu Thanh ở TP Hồ Chí Minh hỗ trợ cho cựu chiến binh tàu không số ở Quảng Bình hai căn nhà tình nghĩa, ông Hồng nhường cho đồng đội trước, còn mình… tính sau.
Nhà ông bà đang ở bây giờ là nhà nhân ái, do đồng chí Dương Văn An, Bí thư Trung ương đoàn, trưởng đoàn công tác thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đoàn trao cho gia đình, với tư cách là cựu binh tàu không số, vào ngày 8-10-2011.
Phạm Thúy Lan
Một số hình ảnh về cuộc gặp gỡ những Người lính Cảnh Dương

Đại úy Phạm Quốc Hồng, thuyền trưởng tàu 151 Đoàn tàu không số 125, và ông Nguyễn Biểu, một trong những người cẩm tử trong Đoàn VTB thời chiến tranh chống Mỹ, chụp ảnh với tác giả tại Trụ sở UBND xã Cảnh Dương.

Từ trái sang phải: Ông Phạm Mạnh Trung, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Cảnh Dương, Đai úy Phạm Quốc Hùng, bà Phạm Thị Thúy Lan, ông Nguyễn Biểu trong văn phòng Hội Cựu chiến binh xã Cảnh Dương.

Ông Phạm Quốc Hồng tay cầm cuốn sách viết về đơn vị tàu không số ngồi bên cạnh vợ

Ông Phạm Quốc Hùng, ông Nguyễn Biểu chụp ảnh lưu niệm với đoàn phụ nữ phường Phương Mai- Hà Nội đến làng Cảnh Dương cứu trợ bà con bị cơn bão số 10, 11, ngày 1-11-2013

Bức ảnh kỷ niệm về tàu không số kèm với ảnh ông Hồng thời đó

Thường trực HĐTQ HPVN gặp ông Phạm Ngọc Liêm, Chủ tịch Hội Người Cao tuổi xã Cảnh Dương sau Hội nghị biểu dương NCT tiêu biểu bảo vệ biên giới, Hải đảo ngày 12-12-2013

Hai bộ xương cá ông khổng lồ ở Cảnh Dương


Nhiều vùng ở Quảng Bình có tục thờ cá được ngư dân lưu truyền hàng trăm năm. Tại ngôi miếu ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, đang thờ 2 bộ xương cá voi khổng lồ, rất linh thiêng.

Ngư Linh Miếu nằm ở thôn Đông Cảng, xã Cảnh Dương được xây dựng gắn với sự tích về 2 cá voi trôi dạt vào vùng đất này từ đầu thế kỷ XIX. Bên trong miếu có 2 bộ xương cá voi khổng lồ, những chiếc xương sườn cao đến 4 - 5m.
Hình ảnh Hai bộ xương cá ông khổng lồ ở Quảng Bình số 2
Theo truyền thuyết, cá bà (cá voi cái) và cá ông (cá voi đực) vào "lụy" (bị nạn) ở Cảnh Dương vào năm 1806 và 1818. Tuy nhiên, các bậc cao niên kể cá bà vào trước cá ông gần 100 năm.
Hình ảnh Hai bộ xương cá ông khổng lồ ở Quảng Bình số 3
Gia phả Tây Trung Họ Trương (còn gọi là Trương Trung Tây Gia Phả) ghi “cá bà vào vùng biển này năm Kỷ Tỵ (năm 1809) đời Gia Long thứ 9, cá ông vào năm Đinh Mùi (năm 1907) đời Duy Tân thứ 16”. Người dân đã chôn cất, xây miếu thờ từ đó. Trong ảnh: Bộ cốt cá bà được đặt bên phải điện thờ.
Hình ảnh Hai bộ xương cá ông khổng lồ ở Quảng Bình số 4
Ở Cảnh Dương còn có 2 ngôi miếu ở 2 địa điểm mà cá ông, cá bà trôi dạt vào. Tuy nhiên, do chiến tranh huỷ hoại nên miếu ông bị vùi lấp dưới đồi cát, chỉ còn miếu bà tồn tại suốt mấy trăm năm qua. Ngoài ra có 17 ngôi mộ của các loại cá ông, cá bà. Cũng giống như ở Cảnh Dương, người dân xã Đức Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) cũng lập miếu thờ các loài cá lớn trôi dạt vào vùng biển này. Ngư dân thường gọi là cá Ngài. Trong ảnh: Bộ xương cá ông tại Ngư Linh Miếu.
Hình ảnh Hai bộ xương cá ông khổng lồ ở Quảng Bình số 5
Cá hố, cá heo, cá voi khi chết được người dân chôn cất cẩn thận, vài năm sau đào lấy xương cốt đem vào thờ tại Đền Nam Hải. Vào đầu tháng hoặc rằm, Đền Nam Hải mở cửa để người dân đến thắp hương cầu những điều may mắn trong mỗi chuyến ra khơi. Tại xã Bảo Ninh, TP.Đồng Hới cũng có 2 ngôi đền do ngư dân lập nên để thờ các vị thần cá. Người dân ở đây tôn sùng cá Ngài hơn cả vị thành hoàng lập làng.
Hình ảnh Hai bộ xương cá ông khổng lồ ở Quảng Bình số 6
Ở Đình làng Sa Động, trước đây có bộ xương mà người dân thường gọi là Ngài Ông - được xem là một trong những bộ xương cá voi lớn nhất Việt Nam. Trong ảnh: Ông Phạm Quốc Hồng, người trông coi Ngư Linh Miếu, nói về bộ xương cá voi khổng lồ.
Hình ảnh Hai bộ xương cá ông khổng lồ ở Quảng Bình số 7
Hình ảnh Hai bộ xương cá ông khổng lồ ở Quảng Bình số 8
Năm 1968, Nhà nước đã cử một đoàn cán bộ vào Quảng Bình để mượn bộ xương đem ra trưng bày tại Bảo tàng Hải Phòng. Trong ảnh: Xương sườn cá bà cao gần 4m.
Hình ảnh Hai bộ xương cá ông khổng lồ ở Quảng Bình số 9
Người dân thắng nhang trong miếu thờ cá ông, cá bà
Hình ảnh Hai bộ xương cá ông khổng lồ ở Quảng Bình số 10
17 ngôi mộ cá tại Quảng Bình.

Bài viết sưu tầm.

Miếu Ngư Linh ở xã Cảnh Dương (Kỳ 2)

Ngư Linh Miếu không lớn mà mới mẻ, mặt hướng ra biển, nhà dân sát ba bên. Bình phong trước miếu đơn giản không hoa văn, một hình cá voi đắp nổi ở giữa. Về ngoại hình miếu Ngư Linh cũng từa tựa phần đông miếu thờ cá voi nhiều nơi khác. Cũng tam quan, mái miếu hai tầng, nóc và chuôi mái đều đắp rồng, bốn cột hàng hiên đắp rồng giáng, câu đối, cuốn thư có cả... Tuy nhiên, màu sắc quá tươi, nét trang trí quá mộc mạc, không tạo được vẻ linh thiêng cổ kính... Cổng miếu bỏ ngõ, hai cột giữa có hai câu đối chữ Việt, viết theo lối khoanh tròn, rất khó đọc:
Nhân nghĩa tích tụ thiên niên thịnh
Phúc đức tài bồi vạn đại hành
Tôi đang chụp ảnh thì có một bác đến hỏi:
- Phải ông là nhà báo xã mới điện cho tui?
- Dạ phải, bác Hồng vui lòng giúp cho.
- Ông ở mô rứa?
- Dạ ở Huế ra.
- Huế 75 răng số xe ông 79?
Chà, ông bảo vệ này kỹ quá, chắc là gốc an ninh đây. Tôi khen:
- Bác tài thật, 79 là số Nha Trang, tôi từ Nha Trang đi dài dài ra Bắc.

Ghe bị bão


Ông chưa chịu thôi, đuổi theo vặn vẹo một hồi rồi mới mở cửa. Nếu khó nữa lại phải lôi cuốn QHQOK ra phân bua. Nhờ cuốn "CMND" này mà lọt qua rất nhiều lần bị ốp vì chạy ngược chiều, chạy quá tốc độ.(1)
Nhìn 3 khung cửa gỗ tưởng miếu rộng ba gian, thực tế bên trong như một hành lang hẹp chừng hơn mét. Xương cá Ông cá Bà xếp trên sập gỗ hai bên, khối xương cao chừng 2 mét. Kích thước xương sườn dài trên 4m, đốt xương sống đường kính rộng trên hai gang tay. Chính giữa có phần lồi ra sau khoảng hơn mét là cung thờ vừa sít chiếc bàn gỗ rộng cỡ 1m20, sau bàn là bệ thờ xây gạch ba tầng sơn trắng đơn giản. Tôi không hiểu sao miếu thờ "Đức Ông, Đức Bà" mà bát nhang, bình hoa đặt cả 4 tầng từ thấp lên cao. Trên cùng có thêm khung bài vị đề ba chữ "Ngư Linh Miếu.” Lúc quay ra tôi hỏi bác Hồng:
- Ngoài mé biển xây nhà gì như nhà mát rứa bác?
Miếu Ngư Linh


- Am thờ để ngư dân đến cúng nhang khi mô cũng đặng.
- Bác nè, hai bộ xương, bộ mô là của Đức Ông, bên phải hay trái, từ ngoài vô?
- Cấy nớ tui cũng khôông biết. Ông hỏi bên hội nông dân hay để tui đưa ông tới ông Thức là người biết rõ mọi thứ.
- Vậy tui chở bác nghe.
- Không, tui có xe.
Tôi theo ông Hồng chạy ngược lại đường bờ biển chừng vài trăm mét rồi rẽ vào xóm. Nhà cửa dân chài ở đây y như ở xóm Cồn hay cửa Bé Nha Trang, nhà tôn lụp xụp, ngõ ngách quanh co, nếu không có người dẫn, không dễ gì tìm ra nhà.
Rất may ông Thức đang ngồi uống trà trước hiên, bác Hồng dẫn tôi vào giới thiệu mấy câu rồi đi ngay. Tôi rất ngạc nhiên một ông già quê mùa mà rất sáng suốt, hoạt bát, lại có tâm hồn văn nghệ, ông Thức vui vẻ cho tôi biết thêm nhiều chi tiết về Ngư Linh Miếu.
- Thưa bác, hai bộ xương trong miếu, bộ nào xương Ông, bộ nào xương Bà?
- Ngoài cửa vô, bên phải xương Ông, bên trái xương Bà.


                                                                          Ông Thức (bên phải)

- Nghe nói thì mỗi bộ xương có hàng tấn nhưng tôi thấy hình như ít.
- Anh biết, qua mấy cuộc chiến tranh phải di dời để bảo toàn nên hao hụt. Nguyên thủy bộ xương cá ông nặng chục tấn, cá Bà kém hơn một tí.
- Theo lệ, khi cá voi vào bờ chết thì dân chài làm đám chôn, sau ba năm lấy cốt thờ. Cảnh Dương có vậy không bác?
- Theo hầu đồng cho biết 8 năm sau khi cá Bà lụy, sẽ có cá Ông vào, do đó chờ đến lúc cá Ông vào dân làng mới xây miếu và chờ cá Ông rả thịt mới đưa luôn "Ông Bà" vào miếu thờ.
- Bác Hồng bảo thời thủ tướng PVĐ có mượn 2 tấn để trưng bầy ở bảo tàng?
- Cái đó không đúng, thời ấy viện Hải Dương Học ở Hải Phòng vào nghiên cứu cả tháng, hỏi mượn nhưng xã nhất quyết không cho. Sau nhờ ông PVĐ đích thân mượn độ 600kg về nghiên cứu rồi họ xin luôn để trưng bầy mỗi nơi một ít.
- Trên bảng sự tích cá Ông cá Bà có hai ngày "lụy" nghĩa là sao bác.
                                                                    Xương cá Ông


- Theo gia phả họ Trương (Trương Hậu Thuần viết) - Năm Kỷ Tỵ (1809) đời Gia Long thứ 9, Đức Bà vào. Năm Đinh Mùi (1907) đời Duy Tân thứ 16, Đức Ông vào. Còn theo tương truyền trong dân gian qua nhiều đời thì năm 1806 Đức Bà vào. Năm 1813 đức Ông vào. Tuy thời điểm khác nhau nhưng sự việc thì không khác, nghĩa là chuyện "các Ngài" vào đất Cảnh Dương là có, dân trăm họ vùng Cảnh Dương đã tận tình lo việc mai táng cũng như thờ phựơng, hàng năm lễ hội đàng hoàng. Do đó ghi nhận cả 2 nguồn là tôn trọng tâm linh của đồng bào, dễ hiểu thôi.
Theo ông Thức, năm Canh Tý cá Bà vào, vạn chài mai táng và làm miếu thờ ở bãi nghĩa địa hiện nay. Sau đám tang cá Bà, đồng cốt cho biết 8 năm nữa cá Ông vào. Khi cá Ông vào dân Cảnh Dương xây Ngư Linh Miếu thờ chung.(2) Miếu cũng đã sửa sang nhiều lần, lần sau cùng vào năm 2003. Ngoài Ngư Linh Miếu, còn một nghĩa địa cá voi cách miếu không xa. Nơi đây hiện có 17 mộ cá đắp đất. Năm 2009, ngày 26 - 2 tức là ngày 2 - 2 - Kỷ Sửu, cá Cô (3) vào an ngự xã Cảnh Dương, được nhân dân mai táng ở khu nghĩa địa cá.

                                                                  Am thờ trước miếu


Trả lời thắc mắc tại sao trong miếu có đến 4 bát nhang, ông Thức cho biết chính ra chỉ 3 thôi. Bệ xây 3 cấp, hai cấp trên thờ cá Ông cá Bà, cấp dưới thờ những vong linh chết biển trong khi hành nghề.
Về lễ hội, Cảnh Dương có lễ cầu ngư mỗi năm, trước đây ngày 14 tháng 3 âm, nay chọn ngày Tết Nguyên Tiêu (15 tháng Giêng âm), cũng tế lễ và thi đua các trò chơi như nhiều nơi khác, đặc biệt là lễ ra quân đánh cá vụ Nam. Cảnh Dương hát chèo cạn chứ không hát "bả trạo" kiểu các tỉnh phía Nam. Bả trạo là hát kể lễ công việc vạn chài chung chung, cầu xin được mùa cá, cầu mong quốc thái dân an. Hát chèo cạn ở Cảnh Dương là thuật lại sự tích và chào mừng Đức Ông Đức Bà vào ngự đất Cảnh Dương và nói rõ đời sống với ước vọng của chính người dân bản địa. Ông Thức rút trong tập giấy dày cộm mấy trang đánh máy đưa tôi xem, rồi cất giọng hát:
Năm nay năm mới
Phường chúng tôi bước tới sân rồng
Phường chúng tôi đồng tịch, nhất tâm lạy bản xã phường, tôi xin chúc:
Đức Ông đức Bà muôn thuở hiển linh
Đến năm Canh Tý thái bình
Đức Bà tuổi thọ gặp dân rước về
Hiển linh hộ kẻ làm nghề
Có rày lướt được mọi bề ấm no...
Năm Mậu Thân đức Ông vô
Thành tâm phụng sự ngài cho dân tình
Nay mừng tứ tiết Mậu Thân.
Trời sinh Thánh Thượng Duy Tân trị vì
Hà Thanh Hải Yến bốn bề
Ngư Ông thượng thọ trở về cõi Tiên.(4)
Đấy là "nói lối trình làng" mở đầu phần hát chèo cạn. Lời ca có đoạn như sau:
Lênh đênh dạo khắp mọi miền
Tìm nơi đất tốt dân hiền ghé vô
Cảnh Dương quê thực hải hồ
Sở vọng trông thấy rước vô lệch nhà
Tưng bừng nổi tiếng đồng sa
Nghe tin làng nước gần xa não nùng.
Trong miếu có chiếc thuyền nan be bé là thuyền để hát chèo cạn (trên sân khấu). Ghi thêm đôi điều, tôi cảm ơn giã từ ông Thức, ra bãi biển xem ghe cá về.
Cảnh Dương không có cảng cá như ở Nha Trang (Khánh Hòa), Thuận An (Huế), ghe về đáp thẳng vào bãi, người buôn mua cá ngay tại chỗ rồi đưa bán nơi khác giống như bãi cá ở Bà Rịa.(5) Không rõ mọi ngày thế nào, hôm nay thấy ghe cá không nhiều, cảnh cá về không có vẻ gì tấp nập rộn ràng. Người buôn thưa thớt và rất thong dong, hai người khiêng một giỏ cá lớn đi lên từ từ. Những con cá hố dài ngoằng khoanh tròn trong giỏ và gần như toàn cá hố. Lao động ngày nay trông có vẻ không vất vả mấy, màu sắc kiểu mốt áo quần cũng làm nhẹ công việc ít nhiều. Tôi hỏi mấy người vừa đi biển về xem họ có thường đánh cá xa bờ, có ra Hoàng Sa, có gặp "tàu lạ,” có ai bị "tàu lạ" trấn lột, v.v.. Dân chài cảnh Dương không ai gặp nạn ấy cả, vì không đi xa bờ. Nhưng bảo tố thì thường, cơn bão số 10 năm rồi đã tàn phá bao nhiêu ghe, kể cả ghe neo trong bờ.

                                                                   Bệ thờ trong miếu

Cảnh Dương chưa có du lịch biển, bãi biển còn hoang sơ, vài quán giải khát tranh tre, dăm ba khách địa phương lui tới. Với lịch sử Cảnh Dương từng được xem như "ngọn cờ đầu" ngay từ thời chúa Nguyễn mở nước đàng trong. Đại Nam thực lục tiền biên viết:
"Năm Tân Hợi (1671) họ Trịnh cử đại quân đến đánh quân Nguyễn tại luỹ Nhật Lệ. Đây là trận đánh lớn có tính quyết định. Trịnh Căn làm nguyên soái. Lê Thời Hiến thống soái binh lãnh 10 vạn quân, hô lên 18 vạn để phô trương thanh thế. Chúa Trịnh Tạc và vua Lê đích thân ra chiến trường tiếp ứng, uy lực rất lớn. Căn cứ thuỷ quân đóng ở cửa Roòn, lệnh cho làng Cảnh Dương đi tiền đạo dẫn đường.”
Trải qua mấy trăm năm, Cảnh Dương vẫn là một trong "Bát danh hương,” nhưng vận nước còn ba chìm bảy nổi nên quê nghèo vẫn lận đận long đong. Không riêng gì Cảnh Dương mà 7 làng còn lại, trong có Kim Nại quê tôi, cũng không hơn gì, có phần èo ọp là đàng khác. Tuy vậy nơi nào người dân cũng yêu quí quê hương mình. Lớp con cháu về sau có tìm đường làm ăn xa nhưng vẫn không quên gốc gác đất tổ quê cha, hết lòng gìn giữ tô bồi, dù một tấc đất cũng không bỏ.
(1) Đón xem "Khó khăn dọc đường.”
(2) Chỗ này nhiều người không nắm vững nên bảo miếu Ông bị cát vùi nên thờ Ông chung với miếu bà.
(3) Cá voi cái còn nhỏ dài khoảng hơn 3m chuyện kể ngày 25 - 2- 2009 một cá voi con vào bãi được dân chài đẩy ra biển, qua hôm sau thấy cá tấp vào bờ nằm chết.
(4) Tôi mạn phép xếp và phân lại bài hò (theo thể lục bát)cho dễ đọc, nguyên bản đánh máy liền tù tỳ khó nhận ra ý nghĩa. Có lẽ chỉ là bản ghi nháp cho người hò. Khi nghe câu hò sẽ thấy hay hơn.
(5) Bà Rịa trang 37 QHQOK tập 5
                                                                                                                                                                     Bài TRẦN CÔNG NHUNG