Sponsors

Giới Thiệu

Wednesday, October 29, 2014

Cảnh Dương Tôi Yêu

 Tôi yêu con người nơi đây...


Cảnh Dương quê tôi







Tuesday, October 21, 2014

Cảnh Dương Facebook

Cảnh dương Facebook....

https://www.facebook.com/CanhDuongToiYeu





















Hình ảnh Cảnh Dương Quê Tôi

Một số hình ảnh Quê hương Cảnh Dương...












Monday, October 20, 2014

Tục lệ xin lấy lửa Tết ở xã Cảnh Dương

Làng Cảnh Dương (tỉnh Quảng Bình) từ lâu có tục xin lửa vào đêm 30 Tết. Làng nằm ngay dưới chân Đèo Ngang, thuộc huyện Quảng Trạch; một bên là quốc lộ 1A, một bên là biển cả.



Con em Cảnh Dương dù đi đâu, làm gì cũng vẫn luôn nhớ về làng quê mình, nơi nổi tiếng với các làn điệu hò khoan, hát ru, chèo cạn; với những lễ hội đặc sắc đã đi vào tâm thức người dân miền biển như lễ hội đánh cờ người vào ba ngày Tết, lễ hội Cầu ngư đêm rằm tháng giêng…Giữa các lễ hội ấy, nổi lên một tập tục mà trải qua hơn 350 năm lập làng người Cảnh Dương vẫn gìn giữ trao truyền đến ngày nay, đó là tục xin lửa đêm 30 Tết.
Nghi lễ xin lửa được chuẩn bị cẩn thận từ nhiều ngày trước đó. Xưa kia cứ đến những ngày giáp Tết thì làng cắt cử những trai tráng khỏe mạnh nhất, chưa có gia đình lên rừng, đẵn lấy những gộc gỗ to, cháy đượm, tro tàn trắng mịn kéo về, chất thành đống trước đình tổ làng.
Vào chiều ba mươi Tết, ban tế lễ do làng cử ra, gồm toàn những cụ già cao niên nhất, có uy tín nhất làng cho chuẩn bị sẵn hương án trong đình. Đến đêm giao thừa, ngay từ chập tối, dân làng kéo đến đông đủ, nhà ít nhất thì có một người đại diện, đông thì có khi cả nhà. Tất cả mọi người cùng vây tròn quanh đống củi. Người chủ gia đình cầm trong tay một cây bùi nhùi quấn kỹ.
Khi thời khắc giao thời thiêng liêng tiễn năm cũ, đón năm mới đến, một hồi trống trang nghiêm cất lên, ban tế lễ vào làm lễ trước hương án trong đình, thắp hương lên lư trầm thành khẩn khấn cầu các bậc tiên tổ của làng anh linh phù hộ độ trì cho con cháu được một năm làm ăn khấm khá, “cá được ruốc dày”.

Thời khắc ấy, tất cả mọi người đều nghiêm trang thành kính hướng về tổ tiên, ông bà. Sau khi khấn xong, làng cử ra một cụ già đức cao vọng trọng, con cháu đề huề, đủ trai đủ gái… nghĩa là người đại diện cho làng, cầm bó nhang châm vào lư trầm trước bàn thờ tổ. Nhang cháy, cụ già cầm ra sân đình, châm vào đống củi gộc vun sẵn trước sân.
Ngọn lửa bốc cao, soi tỏ mặt từng người quanh đống lửa. Lần lượt từng gia đình một, theo thứ tự trong làng tiến đến, châm cây bùi nhùi của gia đình vào đống lửa. Rồi tất cả tản ra, trở về nhà mình. Trong bóng tối, những ngọn đuốc nhấp nhô theo tay người cầm tỏa rạng như những dòng ánh sáng chảy theo từng đường làng ngõ xóm.
Ngọn lửa được lấy từ đống lửa trước đình tổ sẽ được châm vào hương cắm trên bàn thờ mỗi gia đình, ngọn lửa cũng được đưa xuống bếp để người dân Cảnh Dương nấu đồ cúng tổ tiên trong đêm ba mươi và được duy trì trong bếp lửa đến tận ngày hôm sau.
Tự thuở xưa, người dân chài suốt ngày lênh đênh trên sóng nước, việc duy trì được ngọn lửa trong bếp nhà mình cũng như trên con thuyền trôi nổi rất khó khăn. Trong tín ngưỡng dân gian, ngọn lửa thường mang ý nghĩa tượng trưng cho ánh sáng, cho sự may mắn và no ấm. Vì thế, tập tục lấy lửa đêm 30 Tết, đem ngọn lửa từ đình tổ về thắp sáng trong nhà mình của người dân Cảnh Dương còn là sự thể hiện tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, đem ánh sáng tổ tiên phù hộ về cho nhà mình trong năm mới.

Người ta cho rằng đưa được ngọn lửa lấy từ đình tổ về nhà, gia đình sẽ gặp may mắn cho vụ mùa ra khơi năm tới, con cháu ăn ra làm nên, học hành tấn tới, hạnh phúc thành đạt. Nét đặc sắc của tập tục xin lửa còn nằm ở sự củng cố tính cố kết cộng đồng, nhắc nhở con cháu mai sau mãi mãi không quên nguồn cội từ một gốc tích ông cha mà ra cũng như trăm ngàn cây đuốc mỗi người cầm tay đều xin lửa từ ngọn lửa trong đình tổ.
Vì thế tục “xin lửa” ở Cảnh Dương vẫn được lưu truyền cho tới ngày nay, với nghi thức không đổi khác là mấy. Điểm khác biệt bây giờ chính là vào độ cuối năm trai tráng không cần lên núi chặt gộc củi nữa, công việc chuẩn bị cho nghi lễ lấy lửa là trách nhiệm của chính quyền xã. 11g30 đêm, nghi lễ bắt đầu và kết thúc đúng vào thời khắc giao thừa. Từ lúc đó cho đến sáng, cả làng biển Cảnh Dương rộn rã tiếng hát, tiếng hò đón mừng năm mới.
Mùng một, làng lại tiếp tục vui với các lễ hội xuân khác, cứ thế đến hết ba ngày Tết…
Tạp chí QuảngBình






Saturday, October 11, 2014

Cảnh Dương: Ngư dân ra khơi mùa cá Nam

         

Khởi đầu vụ cá Nam năm 2013, thời tiết thuận lợi đã và đang tạo điều kiện cho ngư dân ở các địa phương trong tỉnh ra khơi đánh bắt. Tại cảng cá Nhật Lệ, cảng Gianh và các bến sông ở các địa phương nghề biển, tàu thuyền liên tục cập bến và trung bình mỗi ngày sản lượng đánh bắt ước tính từ 3 đến 4 tấn/tàu.
Những chuyến “mở màn” của vụ cá Nam
Ngay từ những tháng đầu năm 2013, tuy còn khoảng 3 tháng nữa mới đến vụ cá Nam nhưng nhiều ngư dân đã khẩn trương đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, tu bổ ngư lưới cụ cho mùa khai thác chính trong năm. Mùa đánh cá vụ Nam (khoảng từ đầu tháng 4 đến hết tháng 9), được coi là mùa vụ chính của ngư dân trong suốt một năm làm ăn, vì đây là thời gian mà tình hình thời tiết ít biến động và tương đối thuận lợi nên bà con ngư dân có thể ra khơi đều đặn.
Khác với mọi năm, thường các cơ sở đóng, sửa chữa tàu thuyền chỉ đông đúc khi vụ cá Nam kết thúc, thì năm nay, sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ, nhiều ngư dân đã tìm đến các cơ sở đóng, sửa tàu thuyền để chuẩn bị cho những chuyến đi biển. Chị Hoàng Thị Sửu, chủ cơ sở đóng sửa tàu thuyền ở xã Bảo Ninh cho biết, từ đầu năm đến nay, cơ sở đã nhận hợp đồng đóng mới 4 thuyền (2 tàu/2 tháng) với công suất trung bình trên 400 CV/tàu. Ngoài đóng mới, cơ sở này còn nhận sửa chữa, cải hoán trên 100 tàu của ngư dân trên địa bàn xã và vùng lân cận như: Hải Ninh, Võ Ninh...
Từ tháng 10 năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã có 11 chiếc đóng mới và cải hoán 22 chiếc nhằm phục vụ cho khai thác vụ Nam. Chúng tôi gặp anh Tú, một ngư dân ở thôn Hà Thôn, xã Bảo Ninh (Đồng Hới) tại một cơ sở đóng sửa tàu thuyền. Anh cho biết, để chuẩn bị cho vụ cá Nam năm nay, gia đình anh quyết định dồn hết số vốn dành dụm đóng mới con thuyền lớn hơn (có công suất trên 350 CV) để tiếp tục vươn khơi. Những chuẩn bị về vật chất trên là điều kiện tốt để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển trong vụ Nam năm 2013 này.
Hiện nay thời tiết thuận lợi đã tạo điều kiện cho bà con ngư dân tại các địa phương ven biển hăng hái đưa các phương tiện ra khơi bám biển đánh bắt thủy hải sản và kết quả thật đáng mừng.
 
Ngư dân: Nguyễn Bình Đẳng đang làm lưới

Ngư dân Nguyễn Thanh Long, ở xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) hồ hởi cho biết, hiện nay thời tiết đẹp nên trong mấy tuần qua tàu liên tục bám biển và chuyến nào về cũng bội thu. Tàu của gia đình tôi đã thu về trên 100 triệu đồng trong chuyến vừa qua và mỗi bạn tàu đã có thu nhập gần 8 triệu đồng/chuyến (tương đương với 6-7 ngày) anh Long chia sẻ.
Trong khi đó, ngư dân Nguyễn Anh Tuấn, chủ tàu QB 93587 có công suất 240 CV phấn khởi: “Vào vụ đánh bắt vụ cá Nam, chuyến đi biển đầu tiên (trong 6 ngày) sau khi trừ đi chi phí và khấu hao tài sản, tàu tôi thu lãi khoảng 60 triệu đồng. Bây giờ thời tiết đang rất thuận lợi, chúng tôi lại tiếp tục ra khơi”.
Việc trúng những vụ cá, không chỉ có thuyền viên phấn khởi mà hàng ngàn lao động trên bờ cũng vui vì có việc làm. Hiện tại ở các bến cảng, hậu cần nghề cá ở các địa phương cũng trở nên tấp nập. Với các dịch vụ cung ứng xăng, dầu, nhu yếu phẩm, khuân, vác, ướp, vận chuyển cá cho đến các dịch vụ phục vụ ăn uống, giải khát... đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.
Chính sách hỗ trợ và cách làm mới của ngư dân
Theo báo cáo của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 4.160 tàu thuyền, trong đó tàu có công suất trên 90 CV là 976 chiếc. Để tạo điều kiện cho bà con ngư dân đẩy mạnh đóng mới tàu thuyền, vươn khơi bám biển, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã phối hợp với Chi cục tăng cường công tác đăng kiểm, ưu tiên cho các địa phương có lượng tàu thuyền đánh bắt đông như: Đức Trạch, Thanh Trạch (Bố Trạch), Quảng Lộc, Cảnh Dương (Quảng Trạch), Bảo Ninh (Đồng Hới)... Hiện nay, hơn 85% tàu cá có công suất từ 20 CV trở lên tại địa phương đã được đăng kiểm.
Anh Nguyễn Văn Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho hay, trong thời gian qua, các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản cũng đã được triển khai thực hiện tại các địa phương. Cụ thể, thực hiện Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay toàn tỉnh đã có 232 tàu cá được lắp đặt máy thông tin liên lạc tầm xa (đài tàu), trong đó 153 tàu được hỗ trợ kinh phí (dầu, bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm thân tàu) với tổng kinh phí trên 23,6 tỷ đồng. Có thể nói, việc vươn ra vùng biển xa khai thác vừa là cơ hội để cho ngư dân tìm tòi, học hỏi nâng cao kỹ thuật đánh bắt nhưng đồng thời vừa thực hiện nghĩa vụ bảo vệ bình yên cho vùng biển quê hương.

Nhiều tàu của ngư dân trúng cá hố trong chuyến mở màn của vụ Nam
Bên cạnh đó, trong vụ cá Nam 2013, toàn tỉnh sẽ có 90 phương tiện tàu cá được Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản lựa chọn và miễn phí lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh thuộc dự án Movimar. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh Movimar từ nguồn vốn ODA của Pháp do Ban quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) làm chủ dự án. Mục tiêu chính của dự án là giúp bà con ngư dân đánh bắt hiệu quả và an toàn; giúp cơ quan tìm kiếm cứu nạn xử lý nhanh, chính xác các tai nạn, sự cố kỹ thuật khi tàu cá gặp nạn trên các vùng biển và đồng thời góp phần bảo đảm trật tự, an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển, đảo.
Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước thì ngư dân cũng đã thực sự đổi mới cách thức làm ăn và hình thức sản xuất trên biển. Ngư dân ở các địa phương trong tỉnh đã đồng thuận thành lập được 244 tổ đoàn kết khai thác hải sản với 1.406 tàu cá và 9.302 thuyền viên (chiếm 32% tổng số tàu cá hiện có và chiếm 85% tổng số tàu cá trên 20CV); 14 tổ hợp tác kinh tế trên biển với 138 tàu cá, 899 thuyền viên nhằm mục đích tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cũng như thông tin ngư trường, thời tiết và phối hợp tìm kiếm cứu nạn khi có sự cố xảy ra...
Vẫn còn đó những trăn trở
Mùa khai thác cá Nam năm 2013 đã mở màn, các chủ tàu đang khẩn trương tìm kiếm ngư trường mới có nhiều tiềm năng về nguồn lợi cá nổi để đánh bắt. Tuy nhiên, hoạt động khai thác thủy sản năm nay được dự báo là sẽ có nhiều khó khăn hơn nên bà con ngư dân vẫn còn nhiều trăn trở.
Theo nhiều ngư dân trong tỉnh, hiện nay, giá nhiên liệu vẫn duy trì ở mức cao khiến chi phí chuyến biển tăng cao. Trong khi đó, lực lượng lao động nghề biển lại đang thiếu và biến động thường xuyên, đặc biệt là đối với những địa phương như: xã Bảo Ninh, Thanh Khê, Đức Trạch... Rõ ràng, người làm công (hay bạn tàu) chưa có ràng buộc về công việc gây khó khăn cho các chủ tàu trong việc ổn định sản xuất.
Ngoài ra, công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn gặp nhiều khó khăn nên việc bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển chưa hiệu quả. Quan trọng nữa là vấn đề các ngân hàng ít quan tâm cho vay đối với các chủ tàu đi khai thác thủy sản vì rủi ro cao nên ngư dân khó tiếp cận được nguồn vốn đầu tư cho phát triển nghề cá. Các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất ngư nghiệp còn hạn chế so với nhu cầu phát triển nghề cá hiện nay.
Vì vậy, ngư dân trong tỉnh mong rằng, Nhà nước cần tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân; tăng cường công tác đăng ký, đăng kiểm bảo đảm an toàn cho người và tàu cá trên biển; tăng cường công tác dự báo ngư trường khai thác; giúp ngư dân tổ chức khai thác hải sản hợp lý.
Anh Nguyễn Văn Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản khẳng định: “Ở vụ cá Nam này, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị lên Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tham mưu cho Chính phủ thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền đánh bắt xa bờ với các điều kiện phù hợp để ngư dân có thể tiếp cận và hưởng lợi; cùng với đó là tăng cường xây dựng thêm nhiều tổ đoàn kết trên biển để giúp ngư dân an tâm bám biển”.
Theo Báo Quảng Bình

Cảnh Dương: Quả cà và nguồn cội quê hương

            


 Nhắc đến quê tôi, làng Cảnh Dương, Quảng Trạch, bạn bè thường đùa vui gọi là: “Xứ sở sáu vại cà”. Thực ra, đó là “sao vậy cà?” cụm từ mà dân địa phương thường dùng trong các câu hỏi, tương tự như “sao vậy?”, “sao vậy kìa?”, “sao thế?”, “sao thế kia?”... Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà “sao vậy cà?” lại được trại ra thành “sáu vại cà”. Có lẽ do quả cà, không biết từ bao giờ đã gắn bó quá gần gũi với người dân quê tôi chăng?

Ảnh: Bảo Bình.

Cà, món ăn dân dã của mọi miền quê hương
Với thế hệ chúng tôi, quả cà đã trở nên thân thuộc từ những năm tháng đầu đời. Chúng tôi biết có mấy giống cà, hình dáng, màu sắc của từng giống nữa. Bà tôi kể, hồi trước, ông nội và cha tôi đi đánh cá thuê, nhưng thực phẩm của gia đình chủ yếu là cà. Cà thường được muối mặn, muối trường lưu cữu trong từng gia đình, lúc cần vớt ra, bới cho ông, cho cha đi biển; bới cho bà, cho mẹ đi hết chợ gần, chợ xa, đòn gánh trên vai, mệt đâu nghỉ đó, mở “nừng” cơm ra: cà muối là thức ăn, chiếc vẹm xanh (vỏ một loại nghêu) làm thìa; cơm một phần, khoai sắn hai, ba phần, lại gánh, lại đi, tảo tần, dành dụm nuôi con, ước mong sau này đời con sẽ khác.
Cùng với quả cà, chiếc “nừng” cũng đã trở nên thân thuộc, đó là một đồ vật được đan bằng tre cật, hình ống, có nắp đậy, đường kính chừng 15cm, chiều cao 20cm, dùng để bới cơm, khi đi xa nhà không bị thiu. Dạo trước, ở quê tôi, nhà nào cũng có cái “nừng”, có lẽ không lâu nữa, “nừng” sẽ trở thành cổ vật trong bảo tàng của làng. Hiện tại, CLB Unesco xã nhà đã có ý tưởng sưu tầm cổ vật ấy. Những năm đánh Pháp, đánh Mỹ, “nừng” được dùng bới cơm cho dân quân trực chiến, cho ngư dân đi biển; “nừng” theo các gia đình đến nơi sơ tán. Hoà bình, “nừng” theo về lại quê nhà cho đến khi phát triển đồ nhựa, đồ nhôm.
Lịch sử làng được xây dựng hơn 360 năm, theo các cụ cố trong làng thì thế hệ nào cũng gắn bó với cà. Chúng tôi đi xa có dịp trở lại quê nhà, món “khoái khẩu” vẫn là cà: Cà trắng luộc kỹ dầm tương, cà tím kẹp rau mùi chấm mắm, cà pháo muối chua dầm ớt tỏi. Đặc biệt hơn là món cà xào với thịt kỳ nhông bắt ngay trên bãi cát của làng.
Chợ ở quê cũng sẵn các dịch vụ về cà: Cà muối chua trộn ngọt, muối xổi dầm mắm, cà muối trường nén chặt vào chum mắm cá cơm, khi lấy ra hồng tươi ngọt lừ, cà ăn tươi cũng luôn có quanh năm. Em ở Đà Nẵng ra, anh ở Hải Phòng, chị Hà Nội về, hay ở nơi đâu trên khắp miền đất nước, khi về tới quê nhà không ai lại không khoái món cà ở quê, lúc ra đi nhiều người còn chịu khó mang theo để làm quà.
Thực phẩm trong đời sống hôm nay phải nói rất phong phú, nhưng mỗi lần thưởng thức món cà, cứ như được tắm mình trong ký ức tuổi thơ, thấm đẫm trong mồ hôi lao nhọc của mẹ cha, cùng với quả cà nuôi chúng tôi đầy lông đủ cánh, thấm đẫm trong mặn mòi gió biển của quê hương. Làng khiến chúng tôi thế hệ nào cũng gắn bó với quả cà, mà cứng cáp, dẻo dai, một lòng đánh giặc giữ quê hương và dựng xây, phát triển.
Quả cà đã đi vào ca dao, tục ngữ, đi vào câu hát ru mang âm hưởng đặc biệt của một vùng sông nước ở miền Trung. Biết bao thế hệ ở nơi đây đã lớn lên từ câu hát ru dân dã đó:
“Công anh làm rể giang đài
Một năm ăn hết mười hai vại cà
Giếng đâu, em dắt anh ra
Kẻo anh chết khát bởi cà nhà em!”
Giờ đây, được hưởng no ấm đầy đủ, ước mong của mẹ năm nào đã thoả. Thương mẹ, chúng con phải biết sống hết mình vì xứ sở. Yêu xứ sở là yêu Tổ quốc; yêu cha mẹ, anh em, làng xóm là yêu dân tộc. Quả cà, câu hát mẹ ru và cả cái “nừng” kia là quê hương, là cội nguồn chẳng thể nào quên.
  • Nguyễn Tiến NênQuảng Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình

Xây dựng nông thôn mới hay đô thị hóa nông thôn ở Cảnh Dương

                  


   Trong các báo cáo về xây dựng nông thôn mới ở các địa phương, số liệu về cổng, hàng rào, cây cối... chặt phá được xem như là kết quả, thành tích của phong trào hiến đất làm đường giao thông. Hình ảnh chặt bỏ những bờ rào làm bằng cây trồng lâu năm được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thể hiện sự quyết tâm của các địa phương trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Nhưng... đằng sau các con số, sự kiện rầm rộ ấy là cả một câu chuyện về văn hóa ở các làng quê hiện nay.
Trong các báo cáo về xây dựng nông thôn mới ở các địa phương, số liệu về cổng, hàng rào, cây cối... chặt phá được xem như là kết quả, thành tích của phong trào hiến đất làm đường giao thông. Hình ảnh chặt bỏ những bờ rào làm bằng cây trồng lâu năm được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thể hiện sự quyết tâm của các địa phương trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Nhưng... đằng sau các con số, sự kiện rầm rộ ấy là cả một câu chuyện về văn hóa ở các làng quê hiện nay.
Nguy cơ bờ tường đá san hô hàng trăm năm tuổi ở xã Cảnh Dương (Quảng Trạch, Quảng Bình) bị biến mất trước "con sóng” mở rộng đường giao thông
Chuyện hàng chè tàu hay bức tường đá san hô...
Hàng cây được chặt bỏ, thôn xóm làm đường mới, "tiện thể” nhiều gia đình đua nhau xây bờ tường bê tông. Nhà nào cũng kín cổng cao tường. Còn đâu hình ảnh làng quê trù phú, thanh bình với những hàng rào cây được chăm sóc kĩ lưỡng...? Nhà nghiên cứu văn hóa Quảng Bình- ông Văn Tăng chia sẻ: "Ở vùng nông thôn Quảng Bình, trồng hàng rào bằng cây xanh rất phù hợp với môi trường, nó còn có ý nghĩa về mặt phong thủy, tạo sinh khí cho ngôi nhà (mộc bao phủ thổ). Trồng lên, cắt cho nó vuông, tròn theo ý mình phải mất bao nhiêu năm, nhưng chặt phá một nhát là xong. Để có con đường rộng mà phá đi biết bao hàng rào như vậy, tiếc lắm!” Không phải chỉ có ý nghĩa về mặt cảnh quan, nhiều người dân còn cho rằng: Hàng rào bê tông sẽ cản trở lực nước, ảnh hưởng việc thoát nước vào mùa lũ. Kinh nghiệm cho thấy, hàng rào bằng cây xanh dễ dàng hơn cho việc thoát lũ và nó ít hấp thụ nhiệt, nên phù hợp với khí hậu của những tỉnh miền Trung vốn khô, nóng vào mùa hè.
Ở xã Cảnh Dương (Quảng Trạch, Quảng Bình)- một xã anh hùng với danh hiệu làng chiến đấu kiểu mẫu trong kháng chiến chống Pháp, bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã đã thấy trước một số khó khăn, nhất là bài toán về giao thông với những quy định về độ rộng của con đường. Nhưng với truyền thống của một đơn vị anh hùng, Cảnh Dương quyết tâm tìm ra lời giải cho bài toán giao thông và sẽ đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015 theo đúng lộ trình. Nhiều người dân địa phương lo ngại: Mở rộng đường đạt chuẩn nông thôn mới là việc nên và cần phải làm, nhưng như vậy cũng đồng nghĩa với sự biến mất vĩnh viễn của những bức tường đá san hô hàng trăm năm tuổi. Đây chính là nét văn hóa riêng biệt của Cảnh Dương mà không phải làng quê nào cũng có được. Dù trong vài thập kỷ qua, quá trình đô thị hóa nông thôn cũng đã ít nhiều tác động đến nơi này, nhưng hiện tại, Cảnh Dương vẫn còn nhiều ngõ xóm cổ kính được xây dựng từ xa xưa. Phía sau những bức tường ấy là đời sống tinh thần của nhiều thế hệ, là dấu ấn của những bàn tay người thợ tài hoa và tâm huyết. Nếu những bức tường này bị phá bỏ, nét văn hóa đặc thù ấy cũng sẽ không còn. Và đấy sẽ là một thiệt thòi rất lớn cho thế hệ con cháu sau này.
Đô thị hóa nông thôn?
Nếu xu thế bê tông hóa, cứng hóa được triển khai một cách ồ ạt, không tính toán thì phong trào xây dựng nông thôn mới sẽ trở thành đô thị hóa nông thôn. Và người dân nông thôn lạc lõng ngay trong chính môi trường sống của mình... Ông Hàm - một người dân ở xã Lộc Thủy bộc bạch, tôi không thích thay những hàng cây chè tàu bằng những hàng rào bê tông. Hàng rào bằng cây xanh phù hợp với cảnh nông thôn hơn! Biết là đổi mới, nhưng cái gì đáng gìn giữ thì nên gìn giữ.” Ông Hồ Thanh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn- Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Bình cho biết: "Chương trình xây dựng nông thôn mới không khuyến khích việc phá hàng rào cây thay thế bằng tường bê tông. Ngược lại, chúng tôi ủng hộ việc giữ lại các hàng rào bằng cây đó. Nhưng các địa phương khi triển khai đã không hướng dẫn người dân một cách cụ thể”.
Liệu sau phong trào xây dựng nông thôn mới, còn bao nhiêu gia đình giữ lại được hàng rào bằng cây xanh?
Thực tế, trong bộ tiêu chí và hướng dẫn thực hiện xây dựng nông thôn mới, vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa và nét đặc thù của từng vùng miền đã được nêu rõ. Song trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều địa phương chưa chú ý đến vấn đề này. Mặt khác, áp lực về tiến độ thực hiện cùng sự cầu thả của các đơn vị tư vấn đã dẫn đến những quy hoạch chung chung. Thêm vào đó là sự ưu tiên nguồn lực (cả về kinh phí lẫn nhân lực) "quá mức” cho kết cấu hạ tầng vô tình đã biến phong trào xây dựng nông thôn mới thành đô thị hóa nông thôn. Nhà nghiên cứu văn hóa Văn Tăng cho rằng: "Đây là xu thế của xã hội, nhưng cần phải giữ được những nét đẹp truyền thống. Không nên làm vội vàng và máy móc mà cần có sự tính toán kỹ lưỡng, kẻo phá hết những gì cần gìn giữ”.
Lời kết
Với thực tế của các địa phương hiện nay việc xây dựng nông thôn mới một cách đúng nghĩa, thực chất theo bộ tiêu chí và kịp tiến độ thì chỉ có phép màu... nếu không có sự huy động tổng lực từ mọi cấp. Phải khẳng định rằng, xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn, bộ tiêu chí đặt ra là cái đích chung cần hướng đến bộ mặt nông thôn mới tiến bộ, với cuộc sống tốt đẹp dành cho người dân nông thôn. Nhưng nếu như không có các giải pháp cụ thể, định hướng mang tính lâu dài thì e rằng sẽ chỉ vẽ ra được nông thôn mới trên "bàn giấy”, hoặc một nông thôn mới được hiểu phiến diện theo cách nghĩ chủ quan của một số người trong quá trình triển khai, chứ thực sự không phải vì cuộc sống thực thụ như mong muốn của người dân. Bởi vậy, các địa phương cần cẩn trọng trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, không nên chạy đua theo phong trào, để tránh những mặt trái không đáng có từ việc triển khai một chủ trương đúng đắn.
  • Ông Lê Hùng Phi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Quảng Bình khẳng định, trong quá trình tuyên truyền, vận động thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, chúng tôi thấy còn có một số bất cập như: giữa quy hoạch xây dựng hạ tầng, quy hoạch đất đai để phát triển sản xuất và quy hoạch xây dựng các thiết chế văn hóa... còn chồng chéo, có những nơi không còn đất để quy hoạch. Có một số tiêu chí nên chăng cần phải xem xét lại. Ví dụ như tiêu chí về chợ: có nhất thiết xã nào cũng phải xây chợ hay không? Vì chợ không phải chỉ là nơi để giao thương, buôn bán; chợ còn là nơi sinh hoạt văn hóa, thể hiện bản sắc riêng của từng vùng miền. Hay như tiêu chí về nhà văn hóa xã: nên cải tạo, nâng cấp mở rộng Hội trường UBND xã và đầu tư các thiết chế văn hóa phù hợp, chứ không nên xây thêm một nhà văn hóa xã. Chúng ta đã có bài học từ trước năm 1986, thời kỳ hợp tác hóa, nhà văn hóa xã xây dựng nhưng không sử dụng gây lãng phí rất lớn.

Hương Lê- Ngọc Mai - Theo Đại đoàn kết

Thursday, October 9, 2014

Danh Nhân Cảnh Dương Nhà Báo Bùi Đình Túy


Trong hai cuộc kháng chiến, 262 nhà báo TTXVN đã hy sinh trên khắp chiến trường, trong những phóng viên chiến trường ngã xuống ấy, nhà báo Bùi Đình Tuý (bút danh Đinh Thúy) được vinh dự đặt tên cho một con đường và cây cầu ở TP.HCM bởi những cống hiến to lớn của ông đối với đất nước. Nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập TTXVN (15/9/1945 – 15/9/2010) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, TT&VH xin giới thiệu đến độc giả tấm gương nhà báo, liệt sĩ Bùi Đình Tuý và con đường mang tên ông.

Chiến tranh đã đi qua 35 năm, nhưng kí ức về nhà báo - liệt sĩ Bùi Đình Túy mãi mãi không phai mờ trong trái tim những đồng đội. 

Cụ già sống cuối đường Bùi Đình Túy 

Giữa trưa Hè nóng bức, chúng tôi rảo dọc đường Bùi Đình Túy dài gần 2km thuộc quận Bình Thạnh, con đường có chiếc cầu nhỏ cùng tên. Một không gian rộng mở trước mắt chúng tôi, con đường thẳng tắp dài và rộng, những căn nhà cao tầng, những cửa hàng có bảng hiệu sáng loáng nằm san sát bên nhau. Nhưng đoạn sau, con đường Bùi Đình Túy chỉ còn rộng chừng 4 mét, chạy uốn lượn trước khi đến điểm kết thúc. 
Nhà báo Bùi Đình Túy sinh ngày 12/2/1914 trong một gia đình nông dân làng Cảnh Dương (Quảng Bình). Năm 1935 ông ra Hà Nội học nghề ảnh và nghề vẽ ở Trường Bách nghệ. Năm 1936 ông tham gia bãi khóa để tang cụ Phan Chu Trinh và bị thực dân Pháp đuổi học. Ông vào Sài Gòn làm thợ vẽ cho một rạp chiếu bóng và tham gia cách mạng.
Trong Cách mạng tháng Tám, ông đã dùng ống kính nhiếp ảnh để ghi lại những sự kiện lịch sử của Cách mạng tại Sài Gòn. Sau cách mạng, ông phụ trách công tác nhiếp ảnh của Sở Thông tin đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn, sau đó phụ trách nhiếp ảnh Nam bộ. Năm 1957, ông được cử làm Phó Chủ nhiệm phân xã nhiếp ảnh Trung ương, ông là phóng viên nhiếp ảnh duy nhất chụp ảnh Bác Hồ gắn Huân chương Sao Vàng cho Bác Tôn và nhiều tấm ảnh lịch sử khác. Năm 1961 ông được cử sang CHDC Đức (cũ) học ảnh màu và năm 1962 là người đầu tiên xây dựng cơ sở ảnh màu tại Hà Nội. Năm 1965, ông trở về Đông Nam bộ làm Phó Giám đốc TTXGP, vừa chiến đấu ông vừa xây dựng và đào tạo đội ngũ nhiếp ảnh giải phóng. 
Ngày 21/9/1967 ông hi sinh trên đường trở về cứ sau khi tường thuật diễn biến Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần 2. 
Trần Ấm (Nguyên phóng viên cao cấp TTXVN)
Trong một căn nhà nhỏ có tấm bảng hiệu viết tay “Nhận sửa quần áo, thay dây khóa”, bên chiếc máy khâu được đặt gọn gàng trên nền gạch bông, bà Đào Ngọc Mai, gần 70 tuổi đang ngồi đọc báo. Khi được hỏi về con đường chạy qua trước cửa nhà, bà nói bằng giọng đậm chất Nam bộ: “Tôi đã sống ở đây hơn 30 năm. Ngày trước, khi con đường chưa được đặt tên, nơi này còn vắng vẻ lắm, gần hai chục năm nay, cũng là từ khi con đường được mang tên Bùi Đình Túy, phố phường dần trở nên đông đúc hẳn ra”. Thật bất ngờ, bà hỏi lại chúng tôi: “Các cháu có biết con đường này mang tên của một nhà báo đã hi sinh? Ông có công với Cách mạng miền Nam nên thành phố đã chọn tên ông đặt cho con đường này đấy”. 

Rồi bà trầm ngâm một lúc, xếp gọn tờ báo trên tay, bà nói tiếp: “Các con đường ở thành phố mình đều đặt tên của các danh nhân, anh hùng. Các cháu có nhận ra rằng, chúng ta đang sống rất gần với trang sử hào hùng của dân tộc, với các vị anh hùng cách mạng trong sự nghiệp chống Pháp, chống Mĩ cứu nước”. 

Và những kí ức không bao giờ quên 

Chúng tôi tìm gặp những người đã từng sát cánh chiến đấu với nhà báo Bùi Đình Túy để được nghe những nhà báo lão thành kể về kí ức không bao giờ quên. 

Trong căn phòng làm việc của mình, nhà báo Đinh Phong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, nguyên là phóng viên báo Nhân Dân, Trưởng Ban liên lạc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, kể lại: “Đinh Thúy tức anh Bùi Đình Túy là một nhà nhiếp ảnh lớn, nhiều năm trong nghề và có nhiều tác phẩm ảnh qúy giá về Bác Hồ. Khi tôi làm phóng viên mảng chính trị - xã hội của báo Nhân Dân tôi có nhiều kỉ niệm về anh. Nhưng kỉ niệm sâu sắc nhất là lúc chúng tôi tác nghiệp tại Đại hội Đảng lần thứ 3, tháng 9/1960. 

44 nhà báo trong nước và nước ngoài, có cả tôi và anh Đinh Thúy được chụp ảnh với Bác Hồ và tấm ảnh ấy tôi giữ gìn như một báu vật. 
Nhà báo Bùi Đình Túy (ngoài cùng bên phải) được chụp ảnh chung với Bác Hồ
Năm 1967, tôi, anh Đinh Thúy và các anh em khác tham dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần 2, được tổ chức tại căn cứ bí mật gần chân núi Bà Rá, tỉnh Bình Phước. Đoàn nhà báo xuất phát từ căn cứ Trung ương Cục tại Tây Ninh đi lên Bà Rá, cả đoàn đi bộ 7 ngày mới tới điểm tham dự Đại hội. Nhiều người bị sốt rét rừng, lúc ấy anh Đinh Thúy là người lớn tuổi nhất trong đoàn cũng bị bệnh sốt rét hành hạ. Nhưng mỗi sáng, anh vẫn hỏi thăm sức khỏe, động viên tinh thần anh em trong đoàn. 

Khi Đại hội diễn ra, mặc cho sức khỏe còn yếu, anh Đinh Thúy vẫn lao động hăng say, sáng tác ảnh không mệt mỏi. Tôi đâu có ngờ đó là lần cuối cùng tôi được gặp anh Đinh Thúy. Trên đường trở về căn cứ sau Đại hội, bị máy bay địch phát hiện bắn rốc két, thả bom bi, anh đã hi sinh”. 

Chia tay nhà báo Đinh Phong, chúng tôi lại tìm nhà báo lão thành Nguyễn Đức Chính năm nay đã bước qua tuổi 80, là đồng nghiệp của nhà báo Đinh Thúy công tác tại Phòng Nhiếp ảnh Thông tấn xã Giải phóng. Nhà báo Đức Chính kể lại: “Sau 3 ngày anh Đinh Thúy hi sinh, lãnh đạo cơ quan lúc ấy quyết định phân công tôi dẫn 1 tổ 3 người mang theo dụng cụ chôn cất anh Đinh Thúy và các anh em khác hi sinh. Khi đi hơn 1 ngày đường, thì nghe Bộ Tư lệnh cho biết, chỗ địch oanh tạc, quân Mĩ đã hành quân đến chiếm đóng và san lấp mặt bằng. Lúc đó chúng tôi phải dò hỏi thêm tin tức cho thật chính xác và quay về báo cáo lãnh đạo biết. Đến nay chưa tìm được phần mộ của anh Đinh Thúy. Năm 2007, tôi có gửi một lá thư cho anh Bùi Đình Toái, con trai của anh Đinh Thúy, tôi kể lại những gì tôi biết được về sự hy sinh của anh Đinh Thúy để gia đình có thêm thông tin cho việc tìm mộ của anh Đinh Thúy”. 

Trong hai cuộc kháng chiến, hơn 400 nhà báo đã ngã xuống trên chiến trường, trong đó, quá nửa là các nhà báo TTXVN. Họ mãi mãi là niềm tự hào cho các thế hệ nhà báo hôm nay, trong đó có một niềm tự hào mang tên nhà báo - liệt sĩ cách mạng Bùi Đình Túy. 
Xứng đáng được vinh danh với những tên đường, phố 
“Cha tôi đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Cha hi sinh nhưng đến nay chưa tìm thấy hài cốt, Nhà nước đã có nhiều huân, huy chương ghi nhận cống hiến của ông, và việc đặt tên ông cho con đường ở TP.HCM theo tôi chính là một hình thức lưu danh muôn thủa. Tên cha tôi không chỉ gắn với lịch sử vẻ vang mà gắn với tiềm thức và cuộc sống hằng ngày của nhân dân, ở nơi mà ông bỏ xương máu của mình để có ngày toàn thắng. 
Ông Bùi Đình Toái bên cây cầu và con đường mang tên cha
TTXVN có nhiều những nhà báo liệt sĩ có cống hiến to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Theo tôi, những liệt sĩ nhà báo ấy cũng xứng đáng được vinh danh với những tên đường, tên phố”
(Phát biểu của ông Bùi Đình Toái, con trai liệt sĩ Bùi Đình Túy)


Nguồn : TT&VH

Chùa làng Cảnh Dương trong ký ức tuổi thơ của tôi


           Làng biển Cảnh Dương (Quảng Trạch, Quảng Bình) nằm trên bờ Nam sông Ròn (Loan giang), chỉ cách đường Quốc lộ Xuyên Việt 1A chưa đầy một cây số. Từ thuở còn là một làng quê thuộc châu Bố Chính, Cảnh Dương đã nổi tiếng là một làng biển, làng buôn trù phú và giàu truyền thống văn hóa, truyền thống học hành, khoa bảng. Bởi vậy, làng đã được người trong xứ, ngoài tỉnh xếp vào một trong “Bát danh hương” của Quảng Bình (Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim)(1).
Theo cuốn “Bổn xã khai khẩn truyện ký” (Soạn vào năm thứ 22, triều Cảnh Hưng (1762), sao lục dưới triều Tự Đức, năm thứ 18 Ất Sửu (1865) nguyên văn chữ Hán hiện còn lưu giữ tại nhà truyền thống của làng), làng Cảnh Dương được thành lập vào năm Quý Mùi (1643). Những cư dân Nghệ An vào lập nghiệp trên vùng đất cát ven sông Ròn, sau khi làng xóm ổn định, đã bắt tay vào việc xây dựng một số công trình đền, chùa, am miếu để thờ phụng thần, Phật, để làm nơi sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt văn hóa hương thôn. Theo lời ghi trong “Hương ước” của làng, chùa Cảnh Dương được dựng vào năm 1667, mang tên là “Cảnh Phúc tự”. Chùa nằm ở đầu làng, giữa một vùng cây um tùm, mát mẻ, mặt hướng về phía Bắc, lấy sông Loan làm minh đường, lấy núi Phượng (một tên gọi khác của dải Hoành Sơn - đèo Ngang) làm tiền án.
Sông Loan, núi Phượng hữu tình
Bia vàng, ấn ngọc anh linh chầu về.
Khách tới vãng cảnh hoặc đi lễ ở chùa, sau khi qua lần cổng thứ nhất có hai cây trụ biển khá cao là đến với một khoảng ao vuông rộng chừng 400m2 xây đá. Vòng quanh ao có đường lát gạch cho khách đi lại hoặc tới ngồi nghỉ đón gió lành, ngắm hoa sen, hoa súng khoe sắc hồng, sắc trắng trên mặt ao xanh. Rời ao chùa, bước lên 7 bậc tam cấp là đến cổng tam quan. Đây là một công trình kiến trúc khá bề thế. Theo chiều ngang, tam quan kéo dài đến 30m, bao gồm một cổng lớn, hai cổng nhỏ và hai lầu hai tầng treo chuông, treo trống. Sau cổng tam quan là khoảng sân chùa rất rộng với mặt cát mịn màng, với tường xây kín đáo bao quanh. Sân chùa, nhiều loại cây và hoa quý như đại trắng, phượng vàng, ngọc lan, hồng nhung, trúc bạch v.v… bốn mùa khoe sắc, tỏa hương… Ao chùa và sân chua mát mẻ, tĩnh lặng tạo nên một không gian xanh yên lành, cô tịch, nhưng vẫn gắn bó với làng quê, với cuộc sống của cư dân nơi thôn dã.
Chùa Cảnh Dương kiến trúc theo kiểu chùa phía Bắc, gồm 2 ngôi nhà (mỗi nhà 5 gian) kết liền nhau và chia thành tiền đường và hậu tự. Mái chùa lợp ngói âm dương với những đường uốn lượn rất mềm mại ở hai đầu hồi.
Hậu tự của chùa trưng bày gần 100 pho tượng làm bằng các chất liệu: đồng, gỗ, đá với nhiều kích cỡ to, nhỏ khác nhau. Tượng Phật Thích Ca ngồi trên tòa sen, Phật Tuyết Sơn, Phật Bà Quan Âm nhiều mắt, nhiều tay, Phật Di Lặc, tượng các vị La hán… mỗi bức tượng là một công trình, một tác phẩm nghệ thuật mang nhiều giá trị lớn. Các tác phẩm điêu khắc này có cái do các nghệ nhân trong vùng tạo nên, nhưng cũng có nhiều cái được các chùa khác hiến tặng hoặc được đưa từ ngoài Bắc vô, từ trong Nam ra. Trong chùa còn treo nhiều bức tranh màu vẽ canh Niết bàn và địa ngục…
Phần tiền sảnh rất rộng rãi. Gian giữa là nơi đặt đồ nghi trượng, chuông, mõ và cũng là nơi để các sư ngồi hành lễ mỗi sớm, mỗi chiều. Hai đầu tiền sảnh có 2 bức tượng Hộ pháp cỡ lớn, cao chừng 5m, dân trong làng thường gọi là ông Thiện, ông Ác. Hai ông cưỡi hai con kỳ lân lớn, ông cầm thanh long đao, ông cầm sổ sách, thân hình cao lớn, mắt phượng, mày ngài, oai phong lẫm liệt, ai nhìn vào cũng kính nể. Tiền sảnh cũng là nơi để thiện nam, tín nữ tụng kinh, niệm Phật trong các ngày lễ. Trên các cột chính của tiền sảnh treo nhiều bức câu đối làm bằng gỗ, sơn son thếp vàng rất rực rỡ. Các vị túc nho của làng, mãi sau này vẫn còn hay truyên tụng các câu:
Đuốc tuệ đốt tan rừng khổ não
Mây từ che lấp bể trầm luân
Phật tức thị tâm, tâm thị Phật
Nhân nhân hoàn đạo, đạo hoàn nhân.
Ngoài 2 ngôi nhà lớn, bên phải chùa còn có 2 ngôi nhà khác làm nơi trai giới và sinh hoạt cho các vị Tăng Ni. Điều đáng nói là chùa làng Cảnh Dương, hàng trăm năm qua, dưới bom rơi, đạn nổ vẫn còn lưu giữ được một số hiện vật có giá trị văn hóa cao, như Dị bản Văn chiêu hồn của thi hào Nguyễn Du, 2 sắc phong của vua Khải Định (1924) và đặc biệt là quả chuông đồng lớn đúc vào năm 1801, năm cuối cùng của triều đại Tây Sơn. Quả chuông này nặng 137kg, đầu tròn, miệng loe, thân cao 720mm (nếu tính cả quai chuông thì độ cao của chuông là 1.050mm), đường kính miệng chuông: 550mm. Thân chuông có nhiều họa tiết đúc nổi, giữa các họa tiết đó nổi lên 4 chữ lớn (chiều cao 11mm) phân đều 4 phía: Cảnh viện hồng chung. Toàn bộ mặt chuông khắc chìm bài ký do giám sinh Nguyễn Đức Quýnh người Cảnh Dương soạn. Ngày tháng đúc chuông ghi rõ: “Hoàng triều Cảnh Thịnh cửu niên tuế tại Tân Dậu nhị nguyệt thập lục nhật” (Hoàng triều Cảnh Thịnh năm thứ 9 nhằm ngày 16 tháng 2 Tân Dậu)(2).
2. Người làng Cảnh Dương hơn 350 năm nay chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt, chế biến và buôn bán hải sản. Cuộc sống của họ gắn với sông nước, biển cả, nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít vất vả, rủi ro. Là cư dân của một làng văn vật, người Cảnh Dương rất tôn trọng, rất đề cao các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo. Đình Tổ thờ các bậc tiền hiền, hậu hiền, Đình lớn thờ thành hoàng làng, chùa thờ Đức Phật, miếu thờ Cá Ông voi… là những nơi xuân thu nhị kỳ làng mở hội tế cúng thần linh để cầu chúc cho dân làng có cuộc sống bình an, no cơm, ấm áo. Chùa làng, trước năm 1945 có các sư trụ trì, sớm chiều tụng niệm, khói hương… Ngày rằm, ngày mồng một, đặc biệt là vào các dịp lễ Phât đản, lễ Vu lan, người làng già trẻ, lớn bé đi lễ chùa rất đông. Người bình dân thuở xưa không phải ai cũng hiểu sâu giáo lý của đạo Phật. Họ tới chùa là để được giải tỏa, thăng hoa về tâm linh, để được nghe và làm theo những điều Phật dạy. Nhưng từ ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ (1946), Cảnh Dương trở thành pháo đài chống giặc Pháp, máy bay, tàu chiến bắn phá thường xuyên thì chùa làng không còn cảnh sinh hoạt đông vui như ngày xưa nưa. Cũng như tiền sảnh của đình Thánh, đình Tổ, tiền sảnh của chùa được người làng dành làm nơi cho con cháu học hành. Tôi đi học lớp “Ấu trĩ viên” (ngày nay gọi là lớp mẫu giáo - vỡ lòng) chính ở tiền sảnh của chùa làng từ năm 1950. Bảy năm sau (1957), khi lên lớp 4 (lớp cuối cấp I thuở ấy), lần thứ 2, tôi lại được đến chùa để học. Lũ học trò chúng tôi ngồi học trước sự “chứng kiến” của ông Thiện, ông Ác và trong sự chở che của Phật Tổ, Phật Bà. Sân chùa, ao chùa là nơi chúng tôi được thỏa sức vui chơi, ngắm hoa, bắt bướm… Thỉnh thoảng chúng tôi lại được ông từ giữ chùa cùng các cô giáo mở cửa hậu đường dẫn vào nội điện và giảng giải cho nghe về cuộc đời của Đức Thích Ca Mâu Ni. Những câu chuyện cổ tích hay về Cây nêu ngày Tết, về ông Mục Kiền Liên, về cô Thị Kính, Thị Mầu…, chúng tôi cũng được biết từ những ngày học ở chùa làng. Chúng tôi cũng hay hỏi cô giáo nhiều câu hỏi xoay quanh đạo Phật, ví như: Vì sao Đức Phật lại có nhiều mắt, nhiều tay? Ông Thiện, ông Ác cầm đao, cầm sách để làm gì? v.v… Những lời dạy dỗ, bảo ban của cô giáo, của ông thủ từ từ những ngày chúng tôi ngồi học ở tiền sanh chùa làng giúp chúng tôi hiểu rõ thế nào là lòng yêu thương con người, là phải làm điều thiện, tránh điều ác… Những bài học đầu đời ấy đi với lũ học trò nhỏ chúng tôi suốt cả cuộc đời.
Bước vào tuổi thanh niên, từ cuối năm 1962 đến nay, đi dạy học ở các vùng quê xa, tôi có nhiều dịp viếng thăm nhiều ngôi chùa nổi tiếng ở Thái Nguyên, Hà Nội, Huế, Sơn Tây, Sóc Trăng, An Giang, Cà Mau, Long An, Đà Lạt, TP.Hồ Chí Minh… và đọc thêm một số sach báo về Phật giáo. Tôi càng thấy yêu quý hơn về ngôi chùa cổ kính của làng tôi và hiểu sâu hơn những giá trị nhân văn, nhân bản của đạo Phật. Mỗi dịp về thăm quê, tôi lại đến thăm ngôi chùa xưa. Tiếc rằng do bom đạn của chiên tranh, do sự tàn phá của nắng mưa, hiện thời ngôi chùa làng Cảnh Dương đã không còn được nguyên vẹn và đẹp đẽ như thuở nào. Ước mong của đông đảo dân làng tôi và những người con đang sống xa quê là làm sao ngôi chùa xưa của làng sớm được trùng tu để chùa làng mãi mãi là một giá trị văn hóa cao đẹp của quê hương, của đất nước.
Trần Hoàng
(1) Bát danh hương gồm: Sơn (Lệ Sơn), Hà (La Hà), Cảnh (Cảnh Dương), Thổ (Thổ Ngõa), Văn (Văn La), Võ (Võ Xá), Cổ (Cổ Hiền), Kim (Kim Nại). (2) Xin xem:- Cảnh Dương chí lược (Trần Đình Vĩnh chủ biên)- Sở VHTT Quảng Bình xb năm 1993. - Kể chuyện làng biển Cảnh Dương (Nguyễn Viễn)- Hội VHNT Quảng Bình xb năm 1999. - Một di sản văn hóa thời Tây Sơn vừa được phát hiện (Trần Hoàng)- Tạp chí “Nghiên cứu lịch sử Bình Trị Thiên” số 3-1989.


Thursday, October 2, 2014

Logo Quê Hương Cảnh Dương



Logo Quê Hương Cảnh Dương như thế này được chưa mọi người...
---------------------------
P/s: Mong mọi người góp ý và cho ý kiến của mình !!! Thanks You



Cảnh Dương - Ngõ làng đá san hô Quảng Bình

Trong ký ức tuổi thơ tôi, quê nhà là những ngõ nhỏ quanh co với hàng trăm bức tường đá san hô cổ kính và đường làng cát mịn mỗi bước chân, là những trò chơi bất tận nơi ngõ nhỏ cùng lũ bạn, là những cái cổng gỗ cũ kỹ có mái ngói để tránh mưa mỗi khi lỡ đường...



Ngõ quê
 
Dừng chân bên cổng - Ảnh: Diệp Đồng
 
Còn giữ lại nét xưa - Ảnh: Diệp Đồng
 
Những bức tường đá san hô cổ kính - Ảnh: Diệp Đồng
 
Ngõ nhỏ dài hun hút - Ảnh: Diệp Đồng
 
Tuổi thơ ở ngõ làng - Ảnh: Diệp Đồng 

Ký ức của mẹ cha tôi về ngôi làng 365 năm tuổi là một thời bom đạn, những ngõ nhỏ nên thơ ấy trở thành cái bẫy với kẻ xâm lăng khi tất cả người dân đồng loạt rào làng chiến đấu, để sau này làng Cảnh Dương (H.Quảng Trạch), một làng quê trong “bát danh hương” của tỉnh Quảng Bình nổi danh cả nước.Có ai về Cảnh Dương quê tôi đứng nơi đầu sóng gió... Làng chiến đấu xưa nay đã đổi mới muôn màu (ca khúc Quảng Bình quê ta ơi của Hoàng Vân)Và xa hơn nữa, ký ức của bà tôi, người đã gần trăm tuổi, là những trưa, những chiều ngụp lặn ven biển, nhặt những viên đá san hô mang về chất thành đống giữa sân để nắng mưa gột sạch cái mặn mòi của biển.Cũng từ những viên đá ấy, vào ngày biển động, đàn ông trai tráng làng chài sẽ vào lò nung đá thành vôi. Vôi được sinh ra từ đá và là chất kết dính duy nhất cho những bức tường cũng được xây từ đá san hô.Những bức tường đến nay đã hàng trăm năm tuổi, rêu phong và dương xỉ mọc đầy.Xây tường bằng đá san hô đòi hỏi người thợ phải vô cùng khéo tay mới có thể tạo nên những bức tường phẳng, có thể nói những bức tường thô ráp ấy là niềm tự hào của đàn ông làng chài sau nghề đi biển...Và từ những bức tường rêu phong ấy đã tạo thành những con ngõ dài hun hút, nơi đám trẻ con buổi trưa không ngủ và trốn ra đây chơi chuyền, đánh đáo.Con ngõ cũng là nơi hò hẹn của bao trai gái làng tôi, là nơi chứng kiến những phút giây bịn rịn khi tiễn nhau đi hết ngõ nhà.Tận cùng những con ngõ dài thường là cái cổng gỗ với mái ngói rêu phong, là nơi tránh mưa, tránh nắng hay giản đơn là phút dừng chân ngồi trò chuyện bên đường...Tôi nhớ những đêm giao thừa, chín con ngõ lớn dẫn từ đình làng về chín thôn tạo thành một bông hoa lửa. Khi khoảnh khắc giao thừa sắp điểm, người lớn, trẻ con chen nhau châm đuốc từ đống lửa lớn được đốt lên giữa đình làng từ chập tối.Trong giá rét của đêm xuân, mọi người tỏa về các ngõ, vừa chạy vừa giữ lửa không tắt để mang về nhà. Lửa sẽ được nhen lên trong bếp khi phút giao thừa vừa điểm.Và trong suốt ba ngày tết, ngọn lửa sẽ được ủ trong trấu và than hồng sao cho căn bếp luôn ấm áp. Tôi được ông giáo già Trần Đình Vĩnh, người viết địa chí làng giải thích rằng, tục lấy lửa đình làng là dư âm từ tục giữ lửa của người nguyên thủy...Làng tôi bây giờ mỗi đêm giao thừa vẫn đốt lửa. Và những con ngõ dẫn về chín thôn vẫn tạo thành một bông hoa lửa chín cánh ấm áp trong đêm xuân.Dẫu thời gian đã làm phôi pha nhiều thứ, ngôi đình làng cũ đã không còn bởi chiến tranh, những ngõ nhỏ dài hun hút và rêu phong còn lại không nhiều, nhưng thẳm sâu trong lòng những người dân quê tôi, ngõ làng là nỗi nhớ khôn nguôi, là niềm tự hào rất riêng của bao thế hệ...Nhớ và tự hào, để đôi khi trên những chặng đường mưu sinh nơi đất khách quê người, khi tình cờ gặp một con ngõ, một cụ già thảnh thơi ngồi nghỉ, lòng chợt bàng hoàng như gặp lại dáng quê...

Diệp Đồng