Sponsors

Giới Thiệu

Thursday, October 2, 2014

Cảnh Dương - Bươn trải một vùng quê


Dúng dắng mãi tôi mới cầm bút viết về làng quê truyền thống Cảnh Dương. Người ta không chỉ biết "Cảnh Dương quê tôi đứng nơi đầu sóng ngọn gió" qua bài hát "Quảng Bình quê ta ơi" của nhạc sĩ Hoàng Vân.
Mà ngay từ ngày trước, người dân nơi đây đã rất đỗi tự hào về quê hương địa linh nhân kiệt: "Kể từ khi làng ta có tên thì Sa Long vây bọc, nước biển châu về, núi sắp mimh đường, cây đầy huyền vũ. Lại có thêm điểm lý khuyên răn, phong tục thuần hậu, chính hoá cách tân, người của đều vượng. Viên chức châu làng đều là người văn vật".
Nước mắm Cảnh Dương ngon nổi tiếng và thương hiệu Hàm Hương là "nước mắm ngự" cống vua. Làng nước mắm Cảnh Dương "dân biết mặt, nước biết tên" từ buổi ấy.
Đại Nam thực lục tiền biên viết: "Năm Tân Hợi (1671) họ Trịnh cử đại quân đến đánh quân Nguyễn tại luỹ Nhật Lệ. Đây là trận đánh lớn có tính quyết định. Trịnh Căn làm nguyên soái. Lê Thời Hiến thống soái binh lãnh 10 vạn quan, hô lên 18 vạn để phô trương thanh thế. Chúa Trịnh Tạc và vua Lê đích thân ra chiến trường tiếp ứng, uy lực rất lớn. Căn cứ thuỷ quân đóng ở cửa Roòn, lệnh cho làng Cảnh Dương đi tiền đạo dẫn đường".
Ngày 15/4/1672 (Nhâm Tý) Dương Đức thứ nhất có tờ truyền hướng đạo: "Chỉ truyền cho làng Cảnh Dương. Châu Bố Chính vốn am hiểu đường biển, tiếp cận biên thuỳ, phải theo hầu việc để tỏ ra là dân bền nghĩa, đưa đường làm hướng đạo, phòng có đá rạn ngoài biển, để tiện cho quan quân thì hãy làm bia nổi. Ấy là công đầu với nước, sau lại được an tịnh một phương...".
Đọc tờ truyền cách đây trên ba thế kỷ, chúng ta thấy vị trí làng Cảnh Dương, một địa bàn trọng yếu có tính chiến lược trong chiến tranh, nhân dân Cảnh Dương từng được triều đại phong kiến đánh giá cao là "bên nghĩa" có công đầu với nước. Truyền thống đi đầu trong xây dựng và bảo vệ làng của Cảnh Dương mãi mãi còn ghi trong quá khứ và hôm nay.
Lý do khiến tôi phải dúng dắng không vội vàng, xổi thì khi đặt bút viết một điều gì mới về một Cảnh Dương đã từng nổi danh được rất nhiều người không kiệm lời ngợi ca và cũng không xào nấu lại truyền thống vinh quang để Cảnh Dương ngủ say trong chiến thắng.
Tôi về Cảnh Dương khi Đảng bộ và nhân dân trong xã đã hoàn tất một cuộc cách tân đầy cảm động - di dời 2.380 ngôi mộ và 50 lăng mộ dòng họ, nhiều ngôi mộ mới hung táng được hai ba năm, nhiều làng đầu tư xây cất tới 30 - 50 triệu đồng. Việc an táng để cầu mong ông bà tổ tiên được mồ yên mả đẹp là một chuyện lớn tối thượng linh thiêng, nhất là một làng quê mà ý niệm tâm linh đã được ghi trong hương ước. Ở mục 5 phần "Tham nghĩ khoán lệ" trong hương phả và hương ước cổ của làng còn ghi rõ: "Hậu Long ở Huyền vũ là nơi cấm địa, từ nay phần mộ nhà nào an táng tại đó, trừ các mộ cũ đã xây tường chia ranh giới, thì các mộ mới và mộ cải táng lâm thời đem trầu cau trình với lý trưởng đến xem tiền, hậu, tả, hữu quả không xâm phạm mộ khác mới cho. Còn tu sửa mộ phần an táng nếu nhân đó mà đào bới đất cát, xây dựng bốn phía làng rộng chỗ làm ăn. Di dời khu mộ cổ về nghĩa địa mới xong, giải toả mặt bằng, san ủi quy hoạch đường đất, đường điện trên diện tích 10 ha, 17 dự án xây dựng dự án khu làng nghề mới được HĐND xã thông qua và đuợc UBND huyện Quảng Trạch phê duyệt nhưng mới chỉ trên mặt bằng. Đồng chí Thành, Chủ tịch xã gặp tôi chân tình trăn trở: "Đất mở rồi nhưng người còn thiếu mặn mà bởi tính cộng cư, co cụm ở đây còn quá nặng. Chưa mấy ai vào cuộc... anh biết đấy mồ mả di dời rồi mà không xây dựng lên một công trình gì mới thì có tội với người đã khuất nhường đất "chốn địa đàng" cho người đang sống và có lỗi với nhân dân lớn quá!". Tôi rất đồng cảm với nỗi niềm thao thức của anh.

Buôn bán cá ở Cảnh Dương

Xem ra thì con cháu còn ái ngại đến sinh cơ lập nghiệp trên những lô đất linh thiêng, sợ bóng sợ vía, chưa thực sự xông pha bứt phá, bứt phá chính bản thân mình để tự đổi mới. Họ vẫn ngần ngại, vẫn cố thủ nơi chốn cộng cư đặc quánh những nhà là nhà, đường hẻm quanh co, bám riết lấy góc chợ, bến cảng, bãi thuyền mà thôi. Hướng mở mới cho ngành nghề mới chưa thật rõ ràng để định hướng mục tiêu CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn.
Tôi hỏi mấy anh chị cán bộ ở đây thì vẫn dăm ba nghề cổ truyền: mắm ruốc, mộc nề, đóng thuyền, đánh bắt, chế biến hải sản, làm hương, gạch ngói... cơ cấu chủng loại ngành nghề mới xem ra chưa tìm về đứng chân được. Sự tham gia của "4 nhà" hầu như chưa được mặn nồng, tính trông chờ ỷ lại nguồn vốn Nhà nước còn nặng. Thị trường, địa bàn chưa thật hấp dẫn đầu tư của các doanh nghiệp lớn. Vốn nằm trong dân khá to chưa được huy động bao nhiêu, ấy là chưa nói đến sự đổi mới mẫu mã (vẫn là que hương cũ, khuôn gạch ngói cũ, vẫn là thạp mắm chế biến theo lối thủ công). Sao không xây dựng ở đây nhà máy làm thức ăn gia súc và thuỷ sản từ phế thải cá, tôm, cua, ốc, mực... hay là còn nấn ná thăm chừng chưa sớm vào cuộc.
Tôi biết Công ty Sông Gianh một độ đã mua nước mắm chị vợ anh Nguyễn Văn Lược để đóng gói, đóng chai, dán nhãn mác thương hiệu Hàm Hương. Rồi xưởng đóng thuyền của anh Đồng Thanh Lơi sao không vươn ra làm ăn lớn hơn, trang bị nhà xưởng, máy cụ hiện đại hơn. Xí nghiệp gạch ngói Tân Tiến vang bóng một thời còn lao lung về vị trí đặt lò nung, kho bãi chật chội, ô nhiễm môi trường, sao không ra khu quy hoạch làng nghề mới mà mở mang cơ nghiệp?...
Bao nhiêu vấn đề, bấy nhiêu nỗi niềm thao thức. Mấy anh lãnh đạo ở huyện cũng lao lâm khổ tứ lắm, làm gì đây để Cảnh Dương chuyển mình mạnh bạo hơn để xứng đáng là quê hương luôn đi đầu trong các phong trào cách mạng, khỏi phụ bạc với ước nguyện phù hộ độ trì cho con cháu ăn nên làm ra từ phía những người đã nằm dưới mộ. Không cầm tay chỉ việc cho người dân nhưng cũng phải lo toan mở hướng. Tôi tin ở trí tuệ và tấm lòng của các anh lắm lắm...
Khi tôi chuẩn bị gác bút cho trang ghi chép này thì bỗng bắt gặp hình ảnh Thâm Quyến (Trung Quốc) được miêu tả ở một trang tạp chí gần đây. Thâm Quyến vốn là một xóm chài trước năm 1979, ông Đặng Tiểu Bình quyết định biến nơi đây thành đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc và hiện nay Thâm Quyến đã trở thành một đô thị tiêu biểu của thế kỷ XXI. Đây là một đô thị hoàn toàn mới tiêu biểu cho tính quy hoạch, tính khoa học, tính hiện đại và tính hiệu quả. Người ta không chỉ đến Thâm Quyến để trao đổi công nghệ, giao thiệp buôn bán mà còn để tham quan du lịch vui chơi giải trí, Cảnh Dương là làng biển có lợi thế "nhất cận lộ, nhị cận giang, tam cận thị". Đường sá, sông biển, chợ búa Cảnh Dương phong phú là thế. Lại gần khu công nghiệp cảng biển hòn La và nhiều di tích, danh lam, thắng cảnh, bãi tắm đẹp, mở ra khu làng nghề mới là bệ phóng vươn lên và vượt xa... Tôi tin thế, như vốn đã cảm phục ông cha Cảnh Dương đã mấy độ di dân lập nên làng nước mới mà trong gia phả từng ghi, như những cánh chim băng vượt biển Bắc vào phía Nam tìm đất lành để đậu (từ xứ Cồn Dưa vượt sông Roòn về cộng cư nơi đất mới).
Về Cảnh Dương lần này tôi lại chìm trong điệu hát "Cảnh Dương xanh", bứt tôi khỏi niềm thao thiết với làng nghề đang vẫy gọi.
Trích"HOÀNG MINH ĐỨC"
(Tạp chí Nhật Lệ) 

0 comments:

Post a Comment