Sponsors

Giới Thiệu

Friday, November 21, 2014

Miếu Ngư Linh ở xã Cảnh Dương (Kỳ 2)

Ngư Linh Miếu không lớn mà mới mẻ, mặt hướng ra biển, nhà dân sát ba bên. Bình phong trước miếu đơn giản không hoa văn, một hình cá voi đắp nổi ở giữa. Về ngoại hình miếu Ngư Linh cũng từa tựa phần đông miếu thờ cá voi nhiều nơi khác. Cũng tam quan, mái miếu hai tầng, nóc và chuôi mái đều đắp rồng, bốn cột hàng hiên đắp rồng giáng, câu đối, cuốn thư có cả... Tuy nhiên, màu sắc quá tươi, nét trang trí quá mộc mạc, không tạo được vẻ linh thiêng cổ kính... Cổng miếu bỏ ngõ, hai cột giữa có hai câu đối chữ Việt, viết theo lối khoanh tròn, rất khó đọc:
Nhân nghĩa tích tụ thiên niên thịnh
Phúc đức tài bồi vạn đại hành
Tôi đang chụp ảnh thì có một bác đến hỏi:
- Phải ông là nhà báo xã mới điện cho tui?
- Dạ phải, bác Hồng vui lòng giúp cho.
- Ông ở mô rứa?
- Dạ ở Huế ra.
- Huế 75 răng số xe ông 79?
Chà, ông bảo vệ này kỹ quá, chắc là gốc an ninh đây. Tôi khen:
- Bác tài thật, 79 là số Nha Trang, tôi từ Nha Trang đi dài dài ra Bắc.

Ghe bị bão


Ông chưa chịu thôi, đuổi theo vặn vẹo một hồi rồi mới mở cửa. Nếu khó nữa lại phải lôi cuốn QHQOK ra phân bua. Nhờ cuốn "CMND" này mà lọt qua rất nhiều lần bị ốp vì chạy ngược chiều, chạy quá tốc độ.(1)
Nhìn 3 khung cửa gỗ tưởng miếu rộng ba gian, thực tế bên trong như một hành lang hẹp chừng hơn mét. Xương cá Ông cá Bà xếp trên sập gỗ hai bên, khối xương cao chừng 2 mét. Kích thước xương sườn dài trên 4m, đốt xương sống đường kính rộng trên hai gang tay. Chính giữa có phần lồi ra sau khoảng hơn mét là cung thờ vừa sít chiếc bàn gỗ rộng cỡ 1m20, sau bàn là bệ thờ xây gạch ba tầng sơn trắng đơn giản. Tôi không hiểu sao miếu thờ "Đức Ông, Đức Bà" mà bát nhang, bình hoa đặt cả 4 tầng từ thấp lên cao. Trên cùng có thêm khung bài vị đề ba chữ "Ngư Linh Miếu.” Lúc quay ra tôi hỏi bác Hồng:
- Ngoài mé biển xây nhà gì như nhà mát rứa bác?
Miếu Ngư Linh


- Am thờ để ngư dân đến cúng nhang khi mô cũng đặng.
- Bác nè, hai bộ xương, bộ mô là của Đức Ông, bên phải hay trái, từ ngoài vô?
- Cấy nớ tui cũng khôông biết. Ông hỏi bên hội nông dân hay để tui đưa ông tới ông Thức là người biết rõ mọi thứ.
- Vậy tui chở bác nghe.
- Không, tui có xe.
Tôi theo ông Hồng chạy ngược lại đường bờ biển chừng vài trăm mét rồi rẽ vào xóm. Nhà cửa dân chài ở đây y như ở xóm Cồn hay cửa Bé Nha Trang, nhà tôn lụp xụp, ngõ ngách quanh co, nếu không có người dẫn, không dễ gì tìm ra nhà.
Rất may ông Thức đang ngồi uống trà trước hiên, bác Hồng dẫn tôi vào giới thiệu mấy câu rồi đi ngay. Tôi rất ngạc nhiên một ông già quê mùa mà rất sáng suốt, hoạt bát, lại có tâm hồn văn nghệ, ông Thức vui vẻ cho tôi biết thêm nhiều chi tiết về Ngư Linh Miếu.
- Thưa bác, hai bộ xương trong miếu, bộ nào xương Ông, bộ nào xương Bà?
- Ngoài cửa vô, bên phải xương Ông, bên trái xương Bà.


                                                                          Ông Thức (bên phải)

- Nghe nói thì mỗi bộ xương có hàng tấn nhưng tôi thấy hình như ít.
- Anh biết, qua mấy cuộc chiến tranh phải di dời để bảo toàn nên hao hụt. Nguyên thủy bộ xương cá ông nặng chục tấn, cá Bà kém hơn một tí.
- Theo lệ, khi cá voi vào bờ chết thì dân chài làm đám chôn, sau ba năm lấy cốt thờ. Cảnh Dương có vậy không bác?
- Theo hầu đồng cho biết 8 năm sau khi cá Bà lụy, sẽ có cá Ông vào, do đó chờ đến lúc cá Ông vào dân làng mới xây miếu và chờ cá Ông rả thịt mới đưa luôn "Ông Bà" vào miếu thờ.
- Bác Hồng bảo thời thủ tướng PVĐ có mượn 2 tấn để trưng bầy ở bảo tàng?
- Cái đó không đúng, thời ấy viện Hải Dương Học ở Hải Phòng vào nghiên cứu cả tháng, hỏi mượn nhưng xã nhất quyết không cho. Sau nhờ ông PVĐ đích thân mượn độ 600kg về nghiên cứu rồi họ xin luôn để trưng bầy mỗi nơi một ít.
- Trên bảng sự tích cá Ông cá Bà có hai ngày "lụy" nghĩa là sao bác.
                                                                    Xương cá Ông


- Theo gia phả họ Trương (Trương Hậu Thuần viết) - Năm Kỷ Tỵ (1809) đời Gia Long thứ 9, Đức Bà vào. Năm Đinh Mùi (1907) đời Duy Tân thứ 16, Đức Ông vào. Còn theo tương truyền trong dân gian qua nhiều đời thì năm 1806 Đức Bà vào. Năm 1813 đức Ông vào. Tuy thời điểm khác nhau nhưng sự việc thì không khác, nghĩa là chuyện "các Ngài" vào đất Cảnh Dương là có, dân trăm họ vùng Cảnh Dương đã tận tình lo việc mai táng cũng như thờ phựơng, hàng năm lễ hội đàng hoàng. Do đó ghi nhận cả 2 nguồn là tôn trọng tâm linh của đồng bào, dễ hiểu thôi.
Theo ông Thức, năm Canh Tý cá Bà vào, vạn chài mai táng và làm miếu thờ ở bãi nghĩa địa hiện nay. Sau đám tang cá Bà, đồng cốt cho biết 8 năm nữa cá Ông vào. Khi cá Ông vào dân Cảnh Dương xây Ngư Linh Miếu thờ chung.(2) Miếu cũng đã sửa sang nhiều lần, lần sau cùng vào năm 2003. Ngoài Ngư Linh Miếu, còn một nghĩa địa cá voi cách miếu không xa. Nơi đây hiện có 17 mộ cá đắp đất. Năm 2009, ngày 26 - 2 tức là ngày 2 - 2 - Kỷ Sửu, cá Cô (3) vào an ngự xã Cảnh Dương, được nhân dân mai táng ở khu nghĩa địa cá.

                                                                  Am thờ trước miếu


Trả lời thắc mắc tại sao trong miếu có đến 4 bát nhang, ông Thức cho biết chính ra chỉ 3 thôi. Bệ xây 3 cấp, hai cấp trên thờ cá Ông cá Bà, cấp dưới thờ những vong linh chết biển trong khi hành nghề.
Về lễ hội, Cảnh Dương có lễ cầu ngư mỗi năm, trước đây ngày 14 tháng 3 âm, nay chọn ngày Tết Nguyên Tiêu (15 tháng Giêng âm), cũng tế lễ và thi đua các trò chơi như nhiều nơi khác, đặc biệt là lễ ra quân đánh cá vụ Nam. Cảnh Dương hát chèo cạn chứ không hát "bả trạo" kiểu các tỉnh phía Nam. Bả trạo là hát kể lễ công việc vạn chài chung chung, cầu xin được mùa cá, cầu mong quốc thái dân an. Hát chèo cạn ở Cảnh Dương là thuật lại sự tích và chào mừng Đức Ông Đức Bà vào ngự đất Cảnh Dương và nói rõ đời sống với ước vọng của chính người dân bản địa. Ông Thức rút trong tập giấy dày cộm mấy trang đánh máy đưa tôi xem, rồi cất giọng hát:
Năm nay năm mới
Phường chúng tôi bước tới sân rồng
Phường chúng tôi đồng tịch, nhất tâm lạy bản xã phường, tôi xin chúc:
Đức Ông đức Bà muôn thuở hiển linh
Đến năm Canh Tý thái bình
Đức Bà tuổi thọ gặp dân rước về
Hiển linh hộ kẻ làm nghề
Có rày lướt được mọi bề ấm no...
Năm Mậu Thân đức Ông vô
Thành tâm phụng sự ngài cho dân tình
Nay mừng tứ tiết Mậu Thân.
Trời sinh Thánh Thượng Duy Tân trị vì
Hà Thanh Hải Yến bốn bề
Ngư Ông thượng thọ trở về cõi Tiên.(4)
Đấy là "nói lối trình làng" mở đầu phần hát chèo cạn. Lời ca có đoạn như sau:
Lênh đênh dạo khắp mọi miền
Tìm nơi đất tốt dân hiền ghé vô
Cảnh Dương quê thực hải hồ
Sở vọng trông thấy rước vô lệch nhà
Tưng bừng nổi tiếng đồng sa
Nghe tin làng nước gần xa não nùng.
Trong miếu có chiếc thuyền nan be bé là thuyền để hát chèo cạn (trên sân khấu). Ghi thêm đôi điều, tôi cảm ơn giã từ ông Thức, ra bãi biển xem ghe cá về.
Cảnh Dương không có cảng cá như ở Nha Trang (Khánh Hòa), Thuận An (Huế), ghe về đáp thẳng vào bãi, người buôn mua cá ngay tại chỗ rồi đưa bán nơi khác giống như bãi cá ở Bà Rịa.(5) Không rõ mọi ngày thế nào, hôm nay thấy ghe cá không nhiều, cảnh cá về không có vẻ gì tấp nập rộn ràng. Người buôn thưa thớt và rất thong dong, hai người khiêng một giỏ cá lớn đi lên từ từ. Những con cá hố dài ngoằng khoanh tròn trong giỏ và gần như toàn cá hố. Lao động ngày nay trông có vẻ không vất vả mấy, màu sắc kiểu mốt áo quần cũng làm nhẹ công việc ít nhiều. Tôi hỏi mấy người vừa đi biển về xem họ có thường đánh cá xa bờ, có ra Hoàng Sa, có gặp "tàu lạ,” có ai bị "tàu lạ" trấn lột, v.v.. Dân chài cảnh Dương không ai gặp nạn ấy cả, vì không đi xa bờ. Nhưng bảo tố thì thường, cơn bão số 10 năm rồi đã tàn phá bao nhiêu ghe, kể cả ghe neo trong bờ.

                                                                   Bệ thờ trong miếu

Cảnh Dương chưa có du lịch biển, bãi biển còn hoang sơ, vài quán giải khát tranh tre, dăm ba khách địa phương lui tới. Với lịch sử Cảnh Dương từng được xem như "ngọn cờ đầu" ngay từ thời chúa Nguyễn mở nước đàng trong. Đại Nam thực lục tiền biên viết:
"Năm Tân Hợi (1671) họ Trịnh cử đại quân đến đánh quân Nguyễn tại luỹ Nhật Lệ. Đây là trận đánh lớn có tính quyết định. Trịnh Căn làm nguyên soái. Lê Thời Hiến thống soái binh lãnh 10 vạn quân, hô lên 18 vạn để phô trương thanh thế. Chúa Trịnh Tạc và vua Lê đích thân ra chiến trường tiếp ứng, uy lực rất lớn. Căn cứ thuỷ quân đóng ở cửa Roòn, lệnh cho làng Cảnh Dương đi tiền đạo dẫn đường.”
Trải qua mấy trăm năm, Cảnh Dương vẫn là một trong "Bát danh hương,” nhưng vận nước còn ba chìm bảy nổi nên quê nghèo vẫn lận đận long đong. Không riêng gì Cảnh Dương mà 7 làng còn lại, trong có Kim Nại quê tôi, cũng không hơn gì, có phần èo ọp là đàng khác. Tuy vậy nơi nào người dân cũng yêu quí quê hương mình. Lớp con cháu về sau có tìm đường làm ăn xa nhưng vẫn không quên gốc gác đất tổ quê cha, hết lòng gìn giữ tô bồi, dù một tấc đất cũng không bỏ.
(1) Đón xem "Khó khăn dọc đường.”
(2) Chỗ này nhiều người không nắm vững nên bảo miếu Ông bị cát vùi nên thờ Ông chung với miếu bà.
(3) Cá voi cái còn nhỏ dài khoảng hơn 3m chuyện kể ngày 25 - 2- 2009 một cá voi con vào bãi được dân chài đẩy ra biển, qua hôm sau thấy cá tấp vào bờ nằm chết.
(4) Tôi mạn phép xếp và phân lại bài hò (theo thể lục bát)cho dễ đọc, nguyên bản đánh máy liền tù tỳ khó nhận ra ý nghĩa. Có lẽ chỉ là bản ghi nháp cho người hò. Khi nghe câu hò sẽ thấy hay hơn.
(5) Bà Rịa trang 37 QHQOK tập 5
                                                                                                                                                                     Bài TRẦN CÔNG NHUNG

0 comments:

Post a Comment