Sponsors

Giới Thiệu

Friday, November 21, 2014

Gặp lại những người lính họ Phạm xã Cảnh Dương


Ngày 22-12-2013, đúng vào ngày kỷ niệm thành lập QĐND Việt Nam, nhân dân Cảnh Dương (Quảng Bình) tưng bừng kỷ niệm 370 năm thành lập làng (1643-2013).
Làng Cảnh Dương thuộc xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, nổi tiếng bởi thành tích chiến đấu giữ làng trong hai cuộc chiến tranh giữ nước, được ngợi ca trong bài hát “Quảng Bình quê ta ơi” của nhạc sĩ Hoàng Vân: “Có ai về Cảnh Dương, quê tôi đứng nơi đầu sóng gió/ Truyền thống giữ làng đánh giặc mãi mãi còn đây”. 
Tôi may mắn được về làng Cảnh Dương và gặp những người lính họ Phạm ở làng này từng một thời ngang dọc trên biển chở vũ khí vào Nam trong những ngày chiến tranh ác liệt nhất.  

Một chuyến đi và cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa

Ngày 30-10 và 01-11-2013, tôi tham gia đoàn của Hội phụ nữ phường Phương Mai, quân Đống Đa, Hà Nội,  đi cứu trợ đồng bào Quảng Bình bị thiệt hại nặng nề bởi hai trận bão số 10 và 11. Trước khi đến địa điểm đã định trước, đoàn chúng tôi đến Vũng Chùa dâng hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau đó tôi lại xin phép một mình vào dâng cuốn thơ viếng Đại tướng “TỰA ÁNH SAO” của CLB Thơ Đường Họ Phạm tại án thờ Người. Cho đến giờ tôi vẫn còn nhớ những phút giây xúc động bên mộ Đại tướng.

Rồi đoàn chúng tôi đến thăm và tặng quà cứu trợ tại hai xã Cảnh Dương và Quảng Sơn. Tôi không tường thuật cuộc thăm hỏi và trao quà đó trong bài này, mà chỉ nói đến cuộc gặp gỡ những người họ Phạm ở Cảnh Dương. Tôi rất vui mừng vì đi làm việc của phường phố mà kết hợp làm được thêm hai việc có ý nghĩa của dòng Họ.
Trên đường đi, qua ông Nguyễn Văn Hải, người dẫn đường, tôi được biết Cảnh Dương có đông người họ Phạm, trong đó có những người có nhiều công lao trong hai cuộc kháng chiến. Tôi ngỏ ý muốn gặp bà con họ Phạm, hoặc ít ra là vài người vì thời gian của chúng tôi rất eo hẹp. Lãnh đạo xã Cảnh Dương vui vẻ đáp ứng nguyện vọng của tôi.
Tôi thật xúc động khi thấy người họ Phạm Cảnh Dương đầu tiên ra đón mình là một người mặc quân phục trắng với quân hàm Đại úy. Tôi biết ngay đó là ông Phạm Quốc Hồng, vì đã được giới thiệu ông là thuyền trưởng tàu 151 trong đoàn tàu không số năm xưa (tức Lữ đoàn Vận tải quân sự 125 Hải quân anh hùng). Hiện ông là Trưởng ban liên lạc Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển tỉnh Quảng Bình. Không ai nghĩ ông đã 73 tuổi, đã trải qua biết bao gian khó của thời chiến tranh, và ngay nay vẫn đang vất vả mưu sinh. Đúng là người miền biển, giọng ông sôi nổi, “ăn sóng nói gió”. Ông đón tôi và dẫn tôi tới văn phòng Hội Cựu chiến bình xã. Tại đây, lại một người họ Phạm nữa, ông Phạm Mạnh Trung - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, một lát sau thêm ông Nguyễn Văn Biểu (cháu ngoại họ Phạm) “chú thiếu niên” 15 tuổi, trẻ nhất đoàn cảm tử gồm 74 người có nhiệm vụ đặc biệt là giả dạng ngư dân đánh cá để dùng thuyền chèo tay, chở vũ khí vào chiến trường Trị Thiên năm 1968.

Câu chuyện của chúng tôi thêm vui vẻ khi các ông biết tôi ở Hội đồng Họ Phạm Toàn quốc vào đây. Các ông nói về họ Phạm Cảnh Dương, về những con người họ Phạm, nhưng không ai nói về mình. Tôi hỏi thăm tình hình thiệt hại của bà con trong hai trận bão lớn và hỏi về tình hình họ Phạm ở xã nhà. Biết xã Cảnh Dương có nhiều người họ Phạm, tôi gợi ý các ông tổ chức Hội đồng Họ Phạm của xã và liên kết thành HĐ họ Phạm huyện, tỉnh. Các ông rất hào hứng với việc tổ chức Hội đồng, hơn thế nữa, các ông đã nghĩ tới việc tìm người có uy tín ở tỉnh đứng ra tổ chức, và mời tôi đi thăm mộ tổ Họ Phạm của làng, một ngôi mộ tổ lớn nhất so với mộ tổ của các dòng họ trong làng. Người trông coi, quản lý ngôi mộ tổ cùng khu mộ bà con họ Phạm ở đây là cụ Phạm Ngọc Liêm, Chủ tịch Hội Người cao tuổi. Nhưng rồi vì thời gian quá ngắn, tôi không kịp ra thăm mộ tổ. Chúng tôi chia tay sau khi đã chụp mấy tấm hình kỷ niệm và ghi số điện thoại hẹn liên hệ với nhau. Tôi biếu các ông hai số Thông tin họ Phạm Việt Nam quý II và quý III/2013 rồi chia tay để theo đoàn đi tặng quà cứu trợ. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa, để lại trong lòng tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp, mở đầu cho một công việc to lớn về sau: việc họ ở Quảng Bình!
Trên đường về, tôi cứ thấy vui vui. Làm việc họ thật hạnh phúc, đi đâu cũng thấy người nhà, gần gũi và thân thiết.  Thế là có thêm một nơi có bà con mình! Lại thêm một mối quan hệ! Sau khi tôi về Hà Nội, ông Hồng, rồi cụ Liêm hôm ấy không được gặp cũng gọi điện ra. Chúng tôi thường xuyên liên hệ để thông tin cho nhau về dòng họ trong đó. Cụ Liêm cho biết là được cử đi dự Hội nghị ở Hà Nội và hẹn gặp trong dịp ấy. Và may thay, ngày 12-12-2013, cụ Liêm được là 1 trong 8 người đại diện cho Hội Người Cao tuổi Quảng Bình ra Hà Nội dự “Hội nghị biểu dương Người Cao tuổi tiêu biểu tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới hải đảo”. Mấy anh em chúng tôi trong Hội đồng Toàn quốc đã tìm gặp thăm Cụ dù chỉ được chưa đầy nửa tiếng đồng hồ, cũng như với ông Phạm Thoại Tuyền từ Lý Sơn – Quảng Ngãi ra dự hội nghị.
Người lính họ Phạm ở Cảnh Dương
Quảng Bình là tuyến đầu của miền Bắc, nơi gánh chịu bom đạn của quân thù nhiều nhất thì việc mọi người dân đều ra trận là tất yếu. Bao người ra trận, bao người không trở về, và người ở hậu phương cũng nếm trải mọi gian lao, vừa chiến đấu giữ làng vừa sản xuất nuôi quân! Trong dòng người vô tận đó, có những người là con cháu họ Phạm.
Làng Cảnh Dương có ông Phạm Bá Hạt, được phong AHLLVTND năm 1967, nay còn sống. Nhiều người nội ngoại tộc Phạm có công trong hai cuộc kháng chiến, nhiều người nay là những nhân chứng sống của nhiều sự kiện lịch sử. Nhưng trong bài này, nhân ngày thành lập QĐND Việt Nam, tôi chỉ giới hạn câu chuyện ở đại úy Phạm Quốc Hồng, người đã tiếp tôi hôm tôi đến Cảnh Dương, và cũng chỉ tóm tắt. Đây là những điều mà tôi tìm hiểu được qua các tài liệu và người làng Cảnh Dương, chứ không phải do ông Hồng kể.
Ông Phạm Quốc Hồng là một trong 29 người là con em Quảng Bình tham gia đoàn quân vận tải đường Hồ Chí Minh trên biển trong những năm tháng chiến tranh, thuộc Tập đoàn đánh cá Sông Gianh, thực chất là Đoàn tàu không số nổi tiềng, với hàng chục chuyến vận tải vũ khí, hàng hóa, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam.   
Ông sinh năm 1941, nhập ngũ vào quân chủng hải quân tháng 2-1961. 21 tuổi, chàng lính trẻ đã xung phong vào Nam chiến đấu, được chọn ngay vào hàng ngũ những người lính anh hùng của Lữ đoàn 125 – đoàn tàu không số, liên tục chiến đấu, công tác ở đó cho đến tháng 12-1977. Ông là một trong những kình ngư của biển khơi, vào Nam ra Bắc hàng chục lần trên biển. Từ năm 1962 đến năm 1972, Đoàn 125 đã thực hiện 168 chuyến hàng vượt biển vào Nam, có chuyến thành công, có chuyến phải hủy tàu, hủy hàng… Riêng ông Hồng tham gia 10 chuyến đều… trót lọt.
Trong những năm đó, ông Hồng là máy trưởng trên nhiều chuyến tàu vận chuyển vũ khí vào Nam. Suốt quãng thời gian vào sinh ra tử ấy ông Hồng là một trong những người giữ vị trí quan trọng trên nhiều chuyến tàu không số của hải quân Việt Nam.
Lần ông bị thương, cũng là chuyến tàu không thể nào quên trong đời binh nghiệp của ông. Tháng 9/1969, khi tàu do ông Hồng làm máy trưởng chuẩn bị cho chuyến đi Cà Mau thì nhận được tin Bác Hồ mất. Đồng chí Võ Hán – Tiểu đoàn trưởng, đã lên tàu phát băng tang cho tất cả anh em. Mọi người xúc động cùng cài lên ngực áo, bật khóc trước di ảnh của vị cha già dân tộc. Ông Hồng vẫn giữ mãi chiếc băng tang ấy cho đến tận bây giờ. Cả đoàn ra khơi với lòng tiếc thương Bác vô hạn.
Đến vùng biển Hoàng Sa, tàu của ông Hồng bị 4 tàu địch bao vây, chặn đánh, trong đó có cả tàu khu trục. Cuộc rượt đuổi giữa 4 tàu địch và con tàu không số diễn ra hết sức căng thẳng. Quân địch quyết tiêu diệt con tàu của ta. Ban đêm, chúng cho máy bay thả pháo sáng và rượt đuổi trên không, phía dưới thì tàu giặc không ngừng nã pháo đe dọa. Có lúc, cả đoàn đã nghĩ đến tình huống xấu nhất, phải dừng lại chiến đấu, sẵn sàng hy sinh, hủy tàu. Cũng chính lúc này, ông bị thương. Máu ra xối xả, đồng đội chỉ kịp băng bó tạm, rồi tiếp tục chiến đấu. Nhưng rồi với sự mưu trí, dũng cảm, tàu của ta đã thoát vòng vây, cập bến và bàn giao vũ khí an toàn.
Thời ấy khi ông và đồng đội bước chân lên tàu không số đều tâm niệm dù hy sinh quyết giao hàng đủ. Tất cả đều biết, nếu có chuyện thì ngày tàu xuất bến sẽ là ngày giỗ của mình, nhưng không ai chùn bước.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, ông được điều về Tàu 151 làm thuyền trưởng, chở quân vào Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn… Năm 1976, thuyền trưởng Phạm Quốc Hồng lại chỉ huy tàu đi công tác ở Trường Sa hai tháng liền, làm nhiệm vụ cắm mốc chủ quyền và kéo cờ Tổ quốc trên các đảo Sơn Ca, Sinh Tồn, Nam Yết, Song Tử Tây.  Sau chuyến đi Trường Sa  hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đó, tàu 151 được Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm và khen ngợi… Từ đó đến ngày nghỉ hưu, ông gắn bó với những con tàu vận tải ra quần đảo Trường Sa. Với quân hàm đại úy, ông nghỉ hưu năm 1987.
Trong những năm tháng tham gia đoàn tàu không số, mọi người đều giữ bí mật nhiệm vụ của mình. Bà Phạm Thị Hạo vợ ông, trông già hơn tuổi vì những tháng năm vất vả vắng chồng. Ông vào bộ đội đi biền biệt, một mình bà gánh vác mọi việc trong gia đình với vai trò dâu trưởng và nuôi con (ông bà đã có một con trai trước khi ông nhập ngũ). Cả một thời gian dài vì nhiệm vụ đặc biệt, ông Hồng không có thư từ về gia đình. Người bảo mất tích, có người nói ông đã hy sinh, bà vẫn một lòng chờ chồng, nuôi con. Năm 1968, bom Mỹ ném vào Cảnh Dương, gia đình bà nhiều người bị thương vong. Riêng bà Hạo bị sức ép nặng dưới hầm, may không chết, sức khỏe ảnh hưởng đến ngày nay. Sự chịu đựng hy sinh của người phụ nữ để chồng chiến đấu, nhất là trên mặt trận thầm lặng, không thể tả xiết. Ông bà có hai ngươi con trai, anh con trai đầu nhập ngũ vào Tây Nguyên, anh thứ hai cũng là bộ đội, hồi trước ở bên Lào, sau mới được về Quân khu 4.
Khi nghỉ hưu, năm 1987, ông Hồng được Vùng 3 Hải quân hỗ trợ ngói, gỗ và hai bao xi măng để làm nhà. Căn nhà gỗ hai gian thấp lè tè, rộng chừng ba chục mét vuông nay đã xuống cấp vì hơi nước biển.
Năm 2011, Công ty cổ phần Siêu Thanh ở TP Hồ Chí Minh hỗ trợ cho cựu chiến binh tàu không số ở Quảng Bình hai căn nhà tình nghĩa, ông Hồng nhường cho đồng đội trước, còn mình… tính sau.
Nhà ông bà đang ở bây giờ là nhà nhân ái, do đồng chí Dương Văn An, Bí thư Trung ương đoàn, trưởng đoàn công tác thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đoàn trao cho gia đình, với tư cách là cựu binh tàu không số, vào ngày 8-10-2011.
Phạm Thúy Lan
Một số hình ảnh về cuộc gặp gỡ những Người lính Cảnh Dương

Đại úy Phạm Quốc Hồng, thuyền trưởng tàu 151 Đoàn tàu không số 125, và ông Nguyễn Biểu, một trong những người cẩm tử trong Đoàn VTB thời chiến tranh chống Mỹ, chụp ảnh với tác giả tại Trụ sở UBND xã Cảnh Dương.

Từ trái sang phải: Ông Phạm Mạnh Trung, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Cảnh Dương, Đai úy Phạm Quốc Hùng, bà Phạm Thị Thúy Lan, ông Nguyễn Biểu trong văn phòng Hội Cựu chiến binh xã Cảnh Dương.

Ông Phạm Quốc Hồng tay cầm cuốn sách viết về đơn vị tàu không số ngồi bên cạnh vợ

Ông Phạm Quốc Hùng, ông Nguyễn Biểu chụp ảnh lưu niệm với đoàn phụ nữ phường Phương Mai- Hà Nội đến làng Cảnh Dương cứu trợ bà con bị cơn bão số 10, 11, ngày 1-11-2013

Bức ảnh kỷ niệm về tàu không số kèm với ảnh ông Hồng thời đó

Thường trực HĐTQ HPVN gặp ông Phạm Ngọc Liêm, Chủ tịch Hội Người Cao tuổi xã Cảnh Dương sau Hội nghị biểu dương NCT tiêu biểu bảo vệ biên giới, Hải đảo ngày 12-12-2013

0 comments:

Post a Comment