Sponsors

Giới Thiệu

Saturday, October 11, 2014

Cảnh Dương: Quả cà và nguồn cội quê hương

            



 Nhắc đến quê tôi, làng Cảnh Dương, Quảng Trạch, bạn bè thường đùa vui gọi là: “Xứ sở sáu vại cà”. Thực ra, đó là “sao vậy cà?” cụm từ mà dân địa phương thường dùng trong các câu hỏi, tương tự như “sao vậy?”, “sao vậy kìa?”, “sao thế?”, “sao thế kia?”... Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà “sao vậy cà?” lại được trại ra thành “sáu vại cà”. Có lẽ do quả cà, không biết từ bao giờ đã gắn bó quá gần gũi với người dân quê tôi chăng?

Ảnh: Bảo Bình.

Cà, món ăn dân dã của mọi miền quê hương
Với thế hệ chúng tôi, quả cà đã trở nên thân thuộc từ những năm tháng đầu đời. Chúng tôi biết có mấy giống cà, hình dáng, màu sắc của từng giống nữa. Bà tôi kể, hồi trước, ông nội và cha tôi đi đánh cá thuê, nhưng thực phẩm của gia đình chủ yếu là cà. Cà thường được muối mặn, muối trường lưu cữu trong từng gia đình, lúc cần vớt ra, bới cho ông, cho cha đi biển; bới cho bà, cho mẹ đi hết chợ gần, chợ xa, đòn gánh trên vai, mệt đâu nghỉ đó, mở “nừng” cơm ra: cà muối là thức ăn, chiếc vẹm xanh (vỏ một loại nghêu) làm thìa; cơm một phần, khoai sắn hai, ba phần, lại gánh, lại đi, tảo tần, dành dụm nuôi con, ước mong sau này đời con sẽ khác.
Cùng với quả cà, chiếc “nừng” cũng đã trở nên thân thuộc, đó là một đồ vật được đan bằng tre cật, hình ống, có nắp đậy, đường kính chừng 15cm, chiều cao 20cm, dùng để bới cơm, khi đi xa nhà không bị thiu. Dạo trước, ở quê tôi, nhà nào cũng có cái “nừng”, có lẽ không lâu nữa, “nừng” sẽ trở thành cổ vật trong bảo tàng của làng. Hiện tại, CLB Unesco xã nhà đã có ý tưởng sưu tầm cổ vật ấy. Những năm đánh Pháp, đánh Mỹ, “nừng” được dùng bới cơm cho dân quân trực chiến, cho ngư dân đi biển; “nừng” theo các gia đình đến nơi sơ tán. Hoà bình, “nừng” theo về lại quê nhà cho đến khi phát triển đồ nhựa, đồ nhôm.
Lịch sử làng được xây dựng hơn 360 năm, theo các cụ cố trong làng thì thế hệ nào cũng gắn bó với cà. Chúng tôi đi xa có dịp trở lại quê nhà, món “khoái khẩu” vẫn là cà: Cà trắng luộc kỹ dầm tương, cà tím kẹp rau mùi chấm mắm, cà pháo muối chua dầm ớt tỏi. Đặc biệt hơn là món cà xào với thịt kỳ nhông bắt ngay trên bãi cát của làng.
Chợ ở quê cũng sẵn các dịch vụ về cà: Cà muối chua trộn ngọt, muối xổi dầm mắm, cà muối trường nén chặt vào chum mắm cá cơm, khi lấy ra hồng tươi ngọt lừ, cà ăn tươi cũng luôn có quanh năm. Em ở Đà Nẵng ra, anh ở Hải Phòng, chị Hà Nội về, hay ở nơi đâu trên khắp miền đất nước, khi về tới quê nhà không ai lại không khoái món cà ở quê, lúc ra đi nhiều người còn chịu khó mang theo để làm quà.
Thực phẩm trong đời sống hôm nay phải nói rất phong phú, nhưng mỗi lần thưởng thức món cà, cứ như được tắm mình trong ký ức tuổi thơ, thấm đẫm trong mồ hôi lao nhọc của mẹ cha, cùng với quả cà nuôi chúng tôi đầy lông đủ cánh, thấm đẫm trong mặn mòi gió biển của quê hương. Làng khiến chúng tôi thế hệ nào cũng gắn bó với quả cà, mà cứng cáp, dẻo dai, một lòng đánh giặc giữ quê hương và dựng xây, phát triển.
Quả cà đã đi vào ca dao, tục ngữ, đi vào câu hát ru mang âm hưởng đặc biệt của một vùng sông nước ở miền Trung. Biết bao thế hệ ở nơi đây đã lớn lên từ câu hát ru dân dã đó:
“Công anh làm rể giang đài
Một năm ăn hết mười hai vại cà
Giếng đâu, em dắt anh ra
Kẻo anh chết khát bởi cà nhà em!”
Giờ đây, được hưởng no ấm đầy đủ, ước mong của mẹ năm nào đã thoả. Thương mẹ, chúng con phải biết sống hết mình vì xứ sở. Yêu xứ sở là yêu Tổ quốc; yêu cha mẹ, anh em, làng xóm là yêu dân tộc. Quả cà, câu hát mẹ ru và cả cái “nừng” kia là quê hương, là cội nguồn chẳng thể nào quên.
  • Nguyễn Tiến NênQuảng Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình

0 comments:

Post a Comment